Khách sạn
Bản Lùn, Mường Sang, Mộc Châu
Cách Cầu Kính Bạch Long 1.6km
Cách Cầu Kính Tình Yêu 4.8km
Cách Thác Dải Yếm 5.1km
Sơn La là một tỉnh nằm ở vùng Tây Bắc Việt Nam, giáp ranh với Lào. Với địa hình đa dạng, Sơn La là một điểm đến lý tưởng cho những ai yêu thích phượt, trekking và khám phá thiên nhiên. Tỉnh này có nhiều địa danh du lịch nổi tiếng như: Rừng thông bản Áng, Thác Dải Yếm, đỉnh Tà Xùa,... Sơn La cũng nổi tiếng với những sản vật đặc sản như rượu táo mèo, bánh mè, nậm Pắc và món ăn tinh hoa của người Thái như lẩu cá rô, nộm hoa chuối, gà nướng... Ngoài ra, văn hóa và truyền thống của người Thái, Mông, Mường, Dao... cũng là điểm nhấn thu hút du khách đến Sơn La.
Với vị trí địa lý là trung tâm của vùng Tây Bắc và tiềm năng tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng, Sơn La đang sở hữu những tài nguyên du lịch thiên nhiên và nhân văn là những tiềm năng lớn có thể tạo nên những sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, các du khách trong và ngoài nước.
Sơn La có khí hậu nhiệt đới gió mùa, mùa đông khô lạnh, mùa hè nóng ẩm mưa nhiều. Do địa hình núi xen thung lũng và sự hình thành của nhiều hồ thủy điện trên địa bàn khiến cho khí hậu Sơn La chia thành nhiều tiểu vùng khí hậu, đặc trưng như: vùng khí hậu mát mẻ từ 18oC - 21oC rất phù hợp để phát triển du lịch (cao nguyên Mộc Châu, Tà Xùa - Bắc Yên, Co Mạ - Thuận Châu, Ngọc Chiến - Mường La...), ngoài ra còn có những tiểu vùng khí hậu nóng ẩm như Sông Mã, Mường La, Phù Yên... Với khí hậu mát mẻ, vào mùa xuân, trên cao nguyên Mộc Châu với những nương đồi chè, hoa mơ, hoa mận, hoa đào, Sơn Tra, những cánh đồng hoa cải... tạo nên sức lôi cuốn khách du lịch về tụ hội.
Sơn La - vùng đất có nền văn hóa đa dạng, phong phú và đậm đà bản sắc dân tộc; là nơi hội tụ, sinh sống từ lâu đời của 12 dân tộc anh em, mỗi dân tộc đều có một kho tàng di sản văn hóa đặc sắc mang sắc thái riêng. Những giá trị tinh thần quý báu đó đã được truyền qua bao thế hệ con người Sơn La, được hun đúc và trở thành truyền thống tốt đẹp của văn hóa, con người Sơn La.
Sơn La nằm ở phía Tây Bắc Việt Nam, là một điểm đến tuyệt vời cho những ai yêu thích thiên nhiên hoang sơ và hùng vĩ. Với vẻ đẹp tự nhiên độc đáo, Sơn La thu hút du khách bởi những dãy núi , cao nguyên, hồ thủy điện lớn, đồng bằng xanh mát. thung lũng mênh mông và những thác nước hùng vĩ,...
Có lẽ Mộc Châu là địa điểm du lịch hot nhất tại Sơn La với đặc sản là những mùa hoa ban, hoa anh đào, hoa mận, hoa cải vàng… tràn ngập hương sắc. Mộc Châu cũng là cái tên kinh điển nhất khi nhắc đến du lịch vùng Tây Bắc với cung đường phượt đẹp như tranh vẽ. Bên cạnh đó, Mộc Châu còn có những địa điểm tham quan mà bạn không thể bỏ qua.
Nếu bạn đam mê khám phá và yêu thích vận động thì hãy thử khám phá ngũ động tại bản Ôn. Đây là hệ thống gồm 5 hang động được người dân địa phương phát hiện lần đầu tiên vào năm 2006. Vì tại đây chưa có nhiều dịch vụ du lịch nên những hang động vẫn giữ được vẻ đẹp hoang sơ, huyền bí.
Từ thị trấn Mộc Châu, bạn chỉ cần di chuyển thêm khoảng 2km để đến rừng thông bản Áng. Khu rừng có tổng diện tích lên đến 43ha với bầu không khí trong lành và khung cảnh thông xanh trập trùng trông rất mát mắt.
Thác Dải Yếm được ví như bảo vật mà thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho vùng đất Sơn La. Thác còn có tên gọi khác là thác Nàng vì gắn liền với truyền thuyết cô gái đã dùng dải yếm của mình để cứu chàng trai thoát khỏi dòng lũ dữ. Thác cao hơn 100m, chia thành 2 tầng chính. Trong đó tầng thứ nhất có tổng cộng 9 bậc, tầng thứ hai có 5 bậc. Vào độ từ tháng 4 đến tháng 10 hàng năm, khi lượng nước đổ về nhiều sẽ tạo nên những dòng chạy mạnh mẽ, tung bọt trắng xóa rất đẹp mắt. Khu vực xung quanh thác có các cây cổ thụ thân to, tán rộng cho bóng mát. Sau khi chụp hình checkin thỏa thích, bạn có thể dành chút thời gian ngồi dưới bóng cây, chiêm ngưỡng vẻ đẹp của dòng thác, để tiếng nước xua tan mọi phiền lo trong cuộc sống.
Đỉnh Tà Xùa với sống lưng khủng long từ lâu đã nằm trong danh sách của những phượt thủ đam mê khám phá những cung đường Tây Bắc. Hoạt động nổi bật nhất tại đây là chinh phục con đường nhỏ và hẹp dẫn lên đỉnh Tà Xùa (được mệnh danh là sống lưng khủng long) và săn mây vào lúc sáng sớm. Từ tháng 10 đến tháng 4 được xem là khoảng thời gian lý tưởng nhất để săn mây.
Bên cạnh việc khám phá cảnh đẹp thiên nhiên, bạn cũng có thể dành thời gian thăm thú di tích lịch sử nhà tù Sơn La tọa lạc tại đồi Khau Cả, tổ 9, P. Tô Hiệu, TP. Sơn La. Tuy không phổ biến như những địa điểm du lịch Sơn La ở trên nhưng nếu yêu thích lịch sử thì bạn cũng nên tham quan nơi này. Đây từng là nơi giam giữ 14 đoàn tù chính trị với hơn 1,000 tù nhân. Dù điều kiện vật chất vô cùng thiếu thốn, khó khăn, khắc nghiệt nhưng cũng chính tại nơi này đã bồi dưỡng thành công nhiều chiến sĩ tiêu biểu góp phần vào sự thắng lợi của CMT8 như Lê Duẩn, Văn Tiến Dũng, Trường Chinh… Bên cạnh khu di tích nhà tù còn có nghĩa trang liệt sĩ 8, Cửa khẩu Lóng Sập...
Mộc Châu xứ Sơn La từ lâu đã vang danh với những sản phẩm chè hảo hạng. Do đó, top những địa điểm tham quan hấp dẫn ở Sơn La không thể thiếu đồi chè Mộc Châu. Từ tháng 2 đến tháng 12 hàng năm là khoảng thời gian đồi chè tươi tốt nhất, bạn nên tranh thủ đến tham quan và chụp hình lưu niệm. Sau đó, người dân sẽ thu hoạch, tỉa dọn vườn chè để chuẩn bị cho mùa vụ tiếp theo. Tham quan đồi chè Mộc Châu, bạn có thể lựa chọn đồi chè khu Đài Loan với tạo hình trái tim độc đáo hoặc sang các khu Mộc Sương, Tân Lập 1, 2, 3. Cần chú ý trong lúc tham quan, bạn đừng tự ý ngắt lá hay đi vào khu vực hạn chế nhé!
Khi được hoàn thành vào năm 2021 sau 3 năm xây dựng, nhà máy thủy điện Sơn La có quy mô lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Cho đến hiện nay, công trình này vẫn đang là nhà máy thủy điện lớn nhất Việt Nam. Tính đến tháng 12/2021, nhà máy đã cung cấp hơn 20 tỷ kWh điện cho hệ thống điện quốc gia. Khi đặt chân đến đây, bạn sẽ ngỡ ngàng khi chứng kiến công trình đồ sộ mà con người làm nên. Bên cạnh đó, khu vực lòng hồ vẫn giữa được dáng vẻ hoang sơ với không khí trong lành, thoáng đãng. Từ lòng hồ, xuất phát từ bến Mường Trai, bạn có thể chiêm ngưỡng núi đá hổ, núi bàn tay Phật, núi đá thủng… và khám phá hoạt động nuôi trồng thủy sản trên lòng hồ với đặc sản nổi tiếng là những chú cá tầm với kích thước khủng.
Nếu đi Mộc Châu các bạn có thể lựa chọn một số khoảng thời gian như sau: Khoảng tháng 10 - 11 là thời điểm hoa cải nở trắng các vạt đồi Mộc Châu, ngay trước và sau Tết Nguyên Đán là thời điểm hoa đào, mận nở.
1/9 có Tết Độc Lập của người Mông ở Mộc Châu, đây là một trong những lễ hội lớn, sẽ thật tuyệt nếu các bạn có thời gian tham gia.
Tháng 12 tuyến đường Quốc lộ 6 cũ nổi tiếng với sắc vàng của hoa dã quỳ.
Đi vào mùa Đông để trải nghiệm văn hóa tắm suối nước nóng của người Thái.
Khoảng tháng 11 năm trước đến tháng 4 năm sau các bạn có thể sắp xếp thời gian để đi săn mây Tà Xùa.
Thuộc vùng Tây Bắc, mùa mưa của Sơn La hàng năm thường rơi vào dịp hè (khoảng từ tháng 6 - 9), thời điểm này dưới ảnh hưởng của những cơn mưa đột ngột lớn thường xảy ra các hiện tượng lũ quét ở vùng cao, nếu đi vào thời gian này các bạn hết sức chú ý theo dõi thời tiết để có phương án đảm bảo an toàn.
Nằm ngay trên trục đường QL6 nên việc di chuyển lên Mộc Châu từ Hà Nội khá đơn giản. Các bạn có thể đi theo đường đại lộ Thăng Long rồi đi cao tốc mới lên Tp Hòa Bình, từ đây tiếp tục bám QL6 khoảng 120km nữa sẽ lên tới Mộc Châu.
Từ Hà Nội, các bạn đi theo hướng Quốc lộ 32 đi Nhổn lên Thị xã Sơn Tây, đi qua cầu Trung Hà rồi đi Thanh Sơn, Thu Cúc. Đến ngã 3 Thu Cúc các bạn đi Phù Yên rồi sẽ tới Bắc Yên. Từ Bắc Yên lên Tà Xùa còn khoảng 15km nữa. Nếu muốn đi về bằng 2 đường khác nhau, các bạn có thể đi thẳng Tà Xùa sang Trạm Tấu, không cần quay lại Bắc Yên. Đường này khá dốc nhưng do đi xuống nên cũng đỡ hơn. Trên đường từ Trạm Tấu về lại Hà Nội sẽ đi qua Nghĩa Lộ, các bạn nếu có thời gian có thể dành thêm một ngày ở đây để khám phá Nghĩa Lộ trước khi về lại Hà Nội.
Từ Hà Nội bạn có thể di chuyển tới Sơn La bằng ô tô giường nằm, các tuyến xe xuất phát hàng ngày tại Bến xe Mỹ Đình hoặc Bến xe phía sau nhà khách Sơn La (378 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân). Các xe giường nằm xuất phát tại Mỹ Đình vào khoảng 19h - 20h hàng ngày, thời gian lên tới Sơn La khoảng 7h - 8h sáng hôm sau (tùy điều kiện thời tiết và tốc độ của mỗi nhà xe).
Pa pỉnh tộp (cá nướng) là đặc sản của vùng Tây Bắc nói chung và Sơn La nói riêng. Món ăn có nguyên liệu chính là cá chép, trôi hoặc trắm tươi, được làm sạch rồi mổ phía sống lưng, sau đó nhồi các loại gia vị gồm gừng, sả, rau thơm, hạt dổi, đặc biệt là mắc khén và mầm măng của cây sa nhân vào bên trong, bên ngoài xoa một lớp bột riềng và thính gạo. Pa pỉnh tộp phải nướng trên than, khi nướng dùng thanh tre kẹp lại để giữ gia vị thấm sâu và tỏa mùi thơm. Món ăn từng được đầu bếp Mỹ Robert Danhi đề cập đến trong chương trình ẩm thực "Khám phá Việt Nam".
Thịt trâu gác bếp Sơn La được coi là đặc sản của vùng núi Tây Bắc nói chung và Sơn La nói riêng. Nguyên liệu làm nên món ăn này chủ yếu từ thịt trâu hay heo được nuôi thả ở trên các sườn núi. Khi chế biến, người dân địa phương lọc ra thành từng miếng, ướp gia vị gồm muối, gừng, ớt, mắc khén, cùng một số phụ gia khác, sau đó họ sẽ hun từng miếng thịt trên khói của than củi đốt từ cây rừng. Cách ăn thịt trâu gác bếp đơn giản nhất là hấp mềm và xe sợi, chấm cùng chẩm chéo hoặc chế biến thành các món nộm, xào, rim.
Vịt ở xã Chiềng Mai, huyện Mai Sơn nổi tiếng là giống vịt có trọng lượng từ 1,5 đến 1,7 kg. Vịt có xương nhỏ, da vàng, thịt thơm, ngọt, ăn mềm nhưng không bở. Vịt Chiềng Mai đa phần vịt được nuôi theo hình thức bán chăn thả. Các cách chế biến vịt Chiêng Mai phổ biến gồm có vịt luộc, hấp, nướng than hoa, om sấu hay nấu măng. Ngoài ra, nhiều nhà hàng còn chế biến thêm các món phù hợp với trẻ em và người cao tuổi như xôi, cháo vịt hay vịt xào xả ớt, rang riềng.
Quả mắc nhung (cà đắng) là loại quả có màu xanh và cùng họ với cà chua. Cây mắc nhung mọc tự nhiên trên các nương rẫy hoặc vách đá dọc các bìa rừng, phổ biến ở Sơn La. Quả mắc nhung có vị hơi đắng và the cay, có chút ngọt hậu. Để nấu cháo mắc nhung, đầu tiên phải xào một ít thịt băm, sau đó nấu cùng gạo nếp và nước hầm xương trong nhiều giờ, thêm gia vị, bột nêm, nước mắm, gừng, hạt tiêu và cho mắc nhung vào sau cùng.
Quả táo mèo (sơn tra) là loại quả được nhiều người ưa thích không chỉ bởi giá thành rẻ mà đây còn là một vị thuốc trong Đông y có nhiều tác dụng với sức khỏe. Quả táo mèo có thể dùng tươi, làm trà, ngâm rượu, làm giấm, giúp tuần hòa tim, giảm đau và an thần. Ngoài ra, táo mèo còn có tác dụng trị các chứng đau bụng tiêu chảy, tốt cho tiêu hóa, theo Trung tâm Xúc tiến Thương mại, Bộ Công Thương.
Gỏi cá được đánh giá là món ăn ngon, chủ đạo trong các món thường để đem ra thết đãi khách quý của đồng bào dân tộc Thái, thể hiện sự hiếu khách của gia chủ. Từ xưa người Thái đã có câu “Xép nhứa cin nhứa ma, xép pa cin pa cỏi”, nghĩa là “Thèm thịt thì ăn thịt chó, thèm cá thì ăn cá gỏi”. Ngày nay, món cá gỏi không chỉ có đồng bào dân tộc Thái chế biến và thưởng thức mà đã có mặt trong thực đơn của các nhà hàng, tạo nên thương hiệu riêng của món ăn này.
Rêu xanh từ lâu đã là món đặc sản của bà con người Thái ở những vùng có nhiều sông suối, như Quỳnh Nhai, Phù Yên, Sông Mã… nhưng ngon nhất, thơm nhất, ấn tượng nhất chỉ có thể là rêu xanh được lấy ở chính dòng sông Mã. Trong những ngày lễ tết, mừng cơm mới, thêm tuổi hay gia đình có khách quý… hầu như không thể thiếu món rêu xanh trong mâm cơm của bà con. Rêu xanh có thể chế biến thành nhiều món ăn độc đáo khác nhau, như: Rêu nộm, rêu hấp, rêu nấu với măng đắng bằng nước luộc gà, xương hầm, rêu xào tóp mỡ ăn với xôi… món nào cũng mang hương vị ngon ngọt, hấp dẫn riêng.
Ốc đá ở Suối Bàng thường chỉ xuất hiện từ tháng 4 đến cuối tháng 8, tức là vào mùa mưa, khi thời tiết ẩm ướt. Những tháng còn lại chúng vùi mình trong những lớp lá dày hoặc nằm im dưới đất. Những con ốc được rửa sạch và đưa lên bếp luộc. Con ốc khều ra quệt qua tí nước chấm bỏ vào miệng thấy cay cay đầu lưỡi, ốc chạm vào răng lại thấy dòn dòn, vị ngọt mát lan dần xuống cuống họng. Cái ngon ngọt, mát dòn của ốc đá là thế, không tanh nhưng có vị hăng, thơm của lá rừng. Ăn ốc đá nên nhai chậm và kỹ mới thấm được vị mát lành, vị thơm độc đáo. Và cũng chỉ ăn theo kiểu thưởng thức, không nên vì ngon, lạ mà háo hức “ăn lấy no” như nhiều món khác.
Cần lưu ý trước tình hình thời tiết để đảm bảo an toàn và có trải nghiệm tốt nhất.
Tham khảo giá trước khi mua đặc sản về làm quà để không bị "nói thách".
Mang theo trang phục phù hợp với thời tiết.
Chuẩn bị tiền mặt để thanh toán tại các khu vực không có ATM.
Nên đặt phòng trước, đặc biệt là vào mùa cao điểm du lịch.