Mục lục
1. Giới thiệu sơ lược về đèo Pha Đin
Đèo Pha Đin còn được gọi là Dốc Pha Đin, là nơi nối liền biên giới hai tỉnh Sơn La và Điện Biên có độ dài 32km nằm trên quốc lộ 6, một phần thuộc xã Phỏng Lái, huyện Thuận Châu (Sơn La) và một phần thuộc xã Tỏa Tình, huyện Tuần Giáo (Điện Biên).
Tên gọi đèo Pha Đin nguyên gốc xuất xứ từ tiếng Thái, Phạ Đin, trong đó Phạ nghĩa là “trời”, Đin là “đất” hàm nghĩa nơi đây là chỗ tiếp giáp giữa trời và đất. cũng là cái tên ngụ ý cho sự nguy hiểm của con đèo này.
Đèo có điểm cao nhất là 1.648m so với mực nước biển và địa thế rất hiểm trở với một bên là vách núi cheo leo, một bên là vực sâu thăm thẳm, lúc lên dốc lúc xuống dốc. Không chỉ vậy, Pha Đin còn là con đèo có đoạn độ dốc lớn lên đến 19%, con đường đèo ngoằn ngoèo với 8 cung đường cua hết sức nguy hiểm, bán kính đường cong dưới 15m và bên cạnh đó là vô số các khúc cua tay áo, cua chữ A, chữ Z, trong đó có nhiều đoạn chỉ đủ cho một ô tô đi qua.
Bởi vậy, nếu bạn muốn chinh phục con đèo này cần phải có một tay lái thật vững và có kinh nghiệm đi đường núi. Dù đèo khá hiểm nguy đến vậy nhưng cũng chẳng ngăn được niềm khát khao chinh phục của các tay phượt thủ bởi vẻ đẹp đầy mê hoặc của Pha Đin.
2. Truyền thuyết về đèo Pha Đin
Người Lai Châu cũ (nay là Điện Biên) và Sơn La từ xa xưa còn lưu truyền câu chuyện kể về cuộc bàn thảo tìm cách vạch định ranh giới của hai địa phương bằng một cuộc đua ngựa vượt dốc Pha Đin.
Người và ngựa của cả hai phía đều đồng thời xuất phát từ hai dốc đèo. Hai dũng sĩ và hai con tuấn mã đều có sức mạnh và ý chí như nhau nên khoảng cách mà họ đi được cho tới địa điểm gặp nhau trên đèo không chênh lệch nhiều.
Tuy vậy, phần ngựa Lai Châu phi nhanh hơn nên phần đèo thuộc về Lai Châu dài hơn một chút so với phần phía Sơn La.
Chính vì thế, ngày nay đèo Pha Đin có phần đèo thuộc về Điện Biên nhiều hơn phần thuộc về phía tỉnh Sơn La
3. Vẻ đẹp xứng danh của đèo Pha Đin
Nếu quan sát từ xa, cung đường đèo tựa như một sợi dây thừng khổng lồ đang buộc nối những quả núi lại gần với nhau lơ lửng giữa mây trời. Từng khúc quanh co, ngoằn ngoèo, khúc khuỷu lên xuống đầy ngoạn mục, tất cả đều góp phần tạo nên vẻ đẹp riêng biệt cho ngọn đèo Pha Đin.
Dưới chân đèo là những bản làng lác đác, còn trên lưng chừng đèo Pha Đin thường mịt mờ mây phủ. Đứng trên dốc đèo phía tỉnh Điện Biên nhìn xuống du khách sẽ được chiêm ngưỡng bao quát sự mênh mông của thung lũng Mường Quài trải rộng với ngút ngàn màu xanh của đồi núi, thấp thoáng những làng bản đầu tiên của huyện Tuần Giáo.
Nhìn từ trên cao xuống, trước tầm mắt là cả một đoạn đèo hiện ra nổi bật trên màu xanh mướt, thi thoảng những làng bản nhỏ ẩn hiện thấp thoáng trong mây sương quá đỗi yên bình, thơ mộng, làm tiêu tan bao nhiêu mệt mỏi của lữ khách đường xa. Tuy nhiên, khi lên đến gần đỉnh đèo thì hầu như không còn nhìn thấy bản làng nào mà chỉ còn nền trời xanh thẳm và núi rừng hùng vĩ như hòa quyện làm một.
Đèo Pha Đin ấn tượng bởi vị trí của nó rất hiểm trở và chênh vênh, một bên là vách núi và một bên là vực sâu hun hút. Cũng chính vì vậy mà đèo Pha Đin là một trong 4 con đèo được mệnh danh là “tứ đại đỉnh đèo” của vùng Tây Bắc, bên cạnh đèo Ô Quy Hồ, Khau Phạ, Mã Pì Lèng.
Những đoạn đường đèo hiểm trở trên vách núi là những đoạn đường mà nhiều người yêu thích sự mạo hiểm muốn chinh phục. Không chỉ hấp dẫn bởi những khúc cua nguy hiểm mà đèo còn thu hút bởi vẻ đẹp thơ mộng của nó. Đường đèo có những đoạn quanh co ôm lấy những ngôi nhà sàn đơn sơ của một bản làng nào đó, có những đoạn lại cô đơn giữa núi rừng hùng vĩ, thơ mộng.
4. Đèo Pha Đin- Con đèo huyền thoại làm nên lịch sử
Trong những năm kháng chiến chống Pháp, đèo Pha Đin đóng vai trò quan trọng khi nằm trên tuyến đường huyết mạch tiếp tế quân nhu, vũ khí, đạn dược và lương thực cho quân đội, góp phần cho sự thắng lợi vẻ vang của chiến dịch Điện Biên Phủ (1954) của quân và dân Việt Nam. Con đèo này vẫn kiên cường như những chiến sĩ, suốt 4 ngày đêm ròng rã, quân địch cho máy bay oanh tạc hòng cắt đứt con đường tiếp tế của quân ta, nơi đây phải hứng chịu bom đạn nhiều nhất. Dù vậy, quân và dân ta vẫn dùng toàn sức người để kéo pháo cao xạ lên tới đỉnh đèo với độ cao 1.648m. Chính vì vậy, nhân dân Việt Nam hay gọi con đèo này là con đèo huyền thoại làm nên lịch sử.
5. Chinh phục đèo Pha Đin
Để chinh phục được con đèo lịch sử Pha Đin các bạn cần nắm rõ được cung đường di chuyển lên đèo cũng như thời điểm thích hợp để di chuyển.
Mùa hè được xem là khoảng thời điểm lý tưởng nhất để chinh phục đèo Pha Đin. Vào mùa hè mặc dù ở các thành phố ở đồng bằng thời tiết rất nóng cháy, oi bức. Tuy nhiên, mùa hè ở Pha Đin cực kì dễ chịu, bạn có thể yên tâm với độ cao 1.648m so với mực nước biển nên khí hậu trên đèo luôn mát mẻ.
Vào mùa đông, khi cái lạnh cùng những cơn mưa phùn như ngấm vào da thịt kẻ phượt đèo, bạn có thể cảm nhận được cái lạnh giá tê buốt đặc trưng của vùng núi cao. Bước từng bước chậm chạp trên đỉnh đèo Pha Đin; thả hồn mình theo gió, hoà vào cùng mây trời; nhìn từ trên cao những đám sương giăng trở thành tác phẩm tuyệt diệu của tạo hoá.
Mùa xuân, hoa rừng Tây Bắc đua nhau khoe sắc thắm, màu trắng của hoa mơ hoa mận, màu hồng đỏ của hoa đào và màu hồng phai của hoa ban khắp các triền núi hòa vào núi rừng, mây trời hùng vĩ vẽ nên bức tranh thơ mộng. Tháng ba có lẽ là giai đoạn đẹp nhất của đèo Pha Đin, vì khi ấy hoa ban đang nở rộ trắng trời tại vùng núi Tây Bắc vào dịp này du khách sẽ có những cái nhìn cận cảnh về vẻ đẹp đầy khác lạ của núi rừng.
Con đèo này đó là nằm trên quốc lộ 6 nối liền hai tỉnh Sơn La và Điện Biên. Nếu từ Hà Nội để đi đến Pha Đin bạn có thể di chuyển theo tuyến quốc lộ 6 qua cao nguyên Mộc Châu – Yên Châu – Mai Sơn – Thuận Châu là tới đèo Pha Đin.
Cảm ơn bạn đã ghé thăm Vietgoing.com để tìm hiểu thông tin về Đèo Pha Đin, đừng quên tham khảo thêm các khách sạn tại Điện Biên và lịch trình các tour du lịch Điện Biên mới nhất 2025 bạn nhé!