Một ngày trung tuần tháng 8, chúng tôi về thăm làng Nguyệt Viên, xã Hoằng Quang, TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa). Theo người dân ở đây, làng Nguyệt Viên xưa không chỉ nổi tiếng với truyền thống học hành khoa bảng, mà còn là nơi gặp gỡ của tuyến giao thương Bắc - Nam bằng đường thủy.
Vì vậy, làng Nguyệt Viên sớm hội tụ văn hóa đặc trưng của làng xã người Việt…
Hiện ngôi làng này vẫn giữ được nhiều công trình kiến trúc mang đậm nét đặc trưng văn hóa làng Việt, trong đó có nghè Nguyệt Viên.
Nghè Nguyệt Viên được xây dựng từ năm 1593 để thờ công chúa Mai Hoa, một nhân vật trong truyền thuyết được người dân suy tôn là Thành hoàng làng. Đây cũng là công trình nhằm tôn vinh sự học của làng khoa bảng trong lịch sử phong kiến nước nhà.
* Nghè Nguyệt Viên- phong cách kiến trúc cổ kính, độc đáo
Nghè Nguyệt Viên nằm trên một diện tích khá khiêm tốn, chỉ chừng 2.500 m2, quy mô kiến trúc cũng không lớn. Tuy nhiên, công trình nghè Nguyệt Viên được xây dựng cách đây hơn 4 thế kỷ lại có nhiều nét kiến trúc cổ kính độc đáo. Đây chính là nguyên nhân khiến nhiều nhà nghiên cứu từng về đây phải kinh ngạc.
Ông Mạc cũng cho biết, trước đây, nghè nằm trong khuôn viên có quy mô lớn của làng, ngay phía bên có ngôi chùa và đình làng 9 gian, có giếng nước, chiếc cầu đá cùng nhiều cây cổ thụ quanh năm xanh tốt với cảnh quan rộng rãi, thoáng mát.
Tuy nhiên qua thời gian, các công trình như chùa, đình làng, giếng cổ, cầu đá cổ, cây cổ thụ đều bị dỡ bỏ, để lại duy nhất nghè này.
Nghè Nguyệt Viên có cấu trúc 1 gian 2 chái, bố cục gần giống hình vuông, kết cấu vì kèo khá đặc biệt.
"Những người thợ xây dựng đã nâng cao và mở rộng giá chiêng ở trên câu đầu (dầm ngang chính đặt trên cùng) thành một tầng lầu thứ hai nhưng không có sàn, tạo cho không gian bên trong nghè rộng rãi. Phía ngoài mái cũng tạo thành hai lớp, giữa hai lớp có thêm cổ diêm cao với nhiều cửa sổ con làm cho nội thất công trình sáng sủa, thoáng đãng.
Loại kiến trúc hai lớp mái này được gọi là "trùng diêm", xuất hiện cuối thế kỷ XVIII (chùa Tây Phương của tỉnh Hà Tây cũ là ví dụ), đến công trình nghè Nguyệt Viên thì đã hoàn chỉnh hơn. Kiểu kiến trúc này khiến công trình cao ráo, đơn giản mà thanh thoát, và chắc chắn", sách "Địa chí Văn hóa Hoằng Hóa", Nhà xuất bản Khoa học Xã hội phát hành năm 2000 đề cập.
Cảm ơn bạn đã ghé thăm Vietgoing.com để tìm hiểu thông tin về Làng Nguyệt Viên, đừng quên tham khảo thêm các khách sạn tại Thanh Hóa và lịch trình các tour du lịch Thanh Hóa mới nhất 2025 bạn nhé!