Nhà Thờ Đổ Hải Lý, Nam Định

Xóm 3, Huyện Hải Hậu, Nam Định (Xem bản đồ)
Nhà Thờ Đổ Hải Lý

Nhà thờ đổ tại làng Xương Điền, xã Hải Lý, huyện Hải Hậu, Nam Định là dấu tích còn lại của Nhà thờ họ Trái Tim Chúa sau nhiều năm bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi xâm thực biển. Nơi đây nổi tiếng với vẻ đẹp cổ kính, trầm mặc.

1. Nhà thờ Trái Tim Chúa và “cuộc chiến” chống xâm thực

Xương Điền nằm giữa hai làng Doanh Châu và Văn Lý. Tuy lập xã hiệu chính thức vào năm 1915, nhưng cái tên Xương Điền đã có từ cuối thế kỷ XVIII khi người dân thực hiện quai đê lấn bể. Trước đó, nơi đây được gọi là “Cồn Cát Bể”. Cùng với công cuộc khai hoang mở đất, lấn biển, đời sống tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân cũng được phát triển. Năm 1797 nơi đây đã lập xứ Xương Điền gồm các họ: Đức Bà, Madadela, Kính Danh. Lúc này dân cư còn chưa phát triển, nhà thờ còn làm đơn giản. 

“Nhà thờ đổ” là tên ngắn gọn mà người dân địa phương đặt cho chứng tích Tháp chuông của Nhà thờ Lái Tim Chúa (Trái Tim Chúa) có từ năm 1877. Lần thứ nhất xây dựng, nhà thờ Trái Tim Chúa vẫn còn đơn sơ, xung quanh là cây chay còn gọi là nhà thờ chay, với diện tích 225m2, chiều dài 14m, chiều rộng 7m, được lợp bằng mái ngói. 

Từ thập kỷ thứ hai của thế kỷ XX, khu “Cồn Cát Bể” đã rơi vào tình trạng bị biển tiến bãi thoái nhanh do đê biển lúc đó được đào đắp bằng đất nên không chống chọi được sóng dữ và xâm thực biển. Sau 40 năm xây dựng, người dân đã di chuyển Nhà thờ Trái Tim Chúa vào sâu phía trong khoảng 3.000m so với vị trí cũ. Năm 1917, nhân dân đã bắt tay tái thiết nhà thờ giáo họ Trái Tim lần thứ hai với bản thiết kế của kiến trúc sư người Pháp. Đó cũng chính là chứng tích tháp chuông hiện nay. Nhà thờ được hoàn thành vào năm 1927, với khuôn viên rộng 9,330m2, dài 47m, rộng 15m, tháp chuông cao 27m, vòm thành giá cao 15m với kiến trúc cửa vòm, nhiều hoa văn trang trí tỉ mỉ theo kiến trúc Châu Âu, công phu đẹp mắt. Ngoài ra, nhà thờ còn có nhà quán dài 29m, rộng 6,4m, cao 4,5m. 

Trong quá trình sử dụng với sự xâm lấn không ngừng của biển, giáo dân đã nhiều lần trùng tu nhà thờ. Sau 78 năm (1927-2005), giáo họ nhà thờ Trái Tim Chúa cùng với một số nhà thờ khác phải di chuyển trong nội địa xây dựng lần thứ ba. 

Xuyên suốt hai thế kỷ, những cuộc rượt đuổi của biển không bao giờ dứt. Song dẫu có bào mòn kiến trúc, biển không thể xâm lấn vào tình yêu của giáo dân nơi đây dành cho Nhà thờ Trái Tim Chúa, mà minh chứng rõ nhất là hai lần nhân dân quyết tâm tái xây dựng nhà thờ từ những tàn tích. Với họ, Nhà thờ Trái Tim Chúa là một biểu tượng của quê hương, niềm tin và sức sống mạnh mẽ của con người trước biển cả, thiên tai. 

Nhà thờ Đổ bên bờ biển Hải Lý ngày nay là minh chứng cho nỗ lực bảo vệ nhà thờ Trái Tim Chúa trước xâm thực biển của nhân dân Xương Điền

2. Nhà thờ đổ ngày nay

Năm 2005, cơn bão số 7 đã phá hủy tuyến đê bao phía ngoài, “xóa sổ” ngôi làng chài dọc bãi biển Xương Điền – Văn Lý, nền móng tháp chuông còn để lại của một số nhà thờ cũ cũng bị đánh đổ hoàn toàn như: Nhà thờ giáo họ thánh Phê-rô, giáo họ thánh nữ Madalena. Riêng nhà thờ giáo họ Trái Tim Chúa vẫn còn một phần tháp chuông và nền nhà thờ (Nhà thờ đổ ngày nay) và một phần tường nhà thờ ở phía bắc.

Dưới sự xâm lấn không ngừng của biển, khu vực tháp chuông và nền nhà thờ hiện nay không còn chắc chắn và có thể sập đổ bất cứ lúc nào nếu chịu tác động lớn từ thiên nhiên. Đầu tháng 1 năm nay, phần tường rào của Nhà thờ đổ đã bị sóng đánh đổ. Mặc dù nằm tại vị trí khá cao so với nước biển, di tích vẫn bị bào mòn dần dần bởi sóng biển.

Để bảo vệ những dấu tích cuối cùng của nhà thờ, tỉnh Nam Định đã xây dựng hệ thống kè chắn sóng, tôn nền cùng hệ thống tường rào bảo vệ xung quanh di tích nhằm bảo đảm an toàn cho người dân và du khách.


Hệ thống tường rào bao quanh Nhà thờ Đổ được nhân dân xây dựng nhằm bảo vệ di tích trước sóng biển

3. “Ngọn hải đăng” của ngư dân

Nhà thờ đổ không chỉ là nhân chứng trong cuộc chiến của con người với xâm thực biển mà còn gắn bó với ngư dân trong những lần ra khơi. 

Biển Hải Lý có nguồn hải sản phong phú, đặc biệt là các loại cá, tôm, ghẹ. Người dân Xương Điền từ lâu đã sinh sống bằng nghề đánh bắt hải sản. Anh Nguyễn Văn Ba, 23 tuổi, ngụ tại làng Xương Điền, Hải Lý chia sẻ anh đã gắn bó với biển và bắt đầu ra khơi đánh cá từ 9 năm trước, thu nhập của gia đình anh từ xưa đến nay chủ yếu từ việc đánh bắt hải sản. Theo anh Ba, tùy vào từng thời điểm, mỗi mẻ lưới có thể có giá trị từ 200 nghìn đồng đến hàng triệu đồng. Với đánh bắt xa bờ, một thuyền cá có thể thu về được hàng tấn hải sản mang lại giá trị kinh tế lớn. Thông thường, ngư dân ra khơi vào đầu tháng âm lịch, tháng Giêng, tháng Chín. Đây là những thời điểm hải sản vừa trù phú, vừa có chất lượng tươi ngon, bán được giá. Cuối tháng âm lịch hoặc dịp rằm, lượng hải sản giảm mạnh, kích thước nhỏ, là lúc việc đánh bắt gặp khó khăn. “Mỗi lần ra khơi vào cuối tháng âm lịch chỉ đủ để trang trải bữa ăn trong ngày nên chúng tôi không thường xuyên đi biển. Nếu đi thì chỉ đánh bắt xa bờ vì ở xa còn nhiều tôm cá, chứ đánh bắt gần bờ nhiều lắm chỉ 1 chuyến/ngày”, anh Ba tâm sự. 

Biển là “nguồn sống vô tận” của con người nơi đây. Song biển không phải là nhà, chuyến đi xa nào cũng phải trở về với đất liền. Ngồi trên thuyền, nhìn thấy Nhà thờ đổ cổ kính đằng xa, ngư dân biết họ sắp gặp lại những người thân thương. “Sau mỗi chuyến đi biển, nhìn thấy Nhà thờ đổ, tôi lại thấy háo hức và vui mừng vì đã trở về nhà.”. Tháp chuông nhà thờ được ví như ngọn đèn hải đăng báo hiệu cho bao thế hệ ngư dân Xương Điền.

Ngư dân Xương Điền kéo thuyền ra khơi vào bình minh, cách bãi biển không  xa là Nhà thờ Đổ. 

4. Điểm đến du lịch hấp dẫn

Giữa bao la trời đất, bên bờ biển Hải Lý, Nhà thờ đổ mang dáng vẻ hoang sơ, trầm mặc của một nhân chứng thời gian nhưng lại rất độc đáo mà không nơi nào có. Vẻ đẹp đó đã thu hút sự chú ý của nhiều khách du lịch, đặc biệt là người trẻ trong vài năm trở lại đây. Sau khi được “lên sóng” qua các chương trình: phim tài liệu “Kè chắn sóng” của VTV4, một số cảnh quay trong phim truyền hình “Hôn nhân trong ngõ hẻm”,… địa điểm này càng được nhiều người quan tâm. Theo ước tính trong năm 2018, vào các dịp lễ tết, mỗi ngày có khoảng từ hàng trăm lượt du khách tham quan Nhà thờ đổ, tắm biển Hải Lý và thưởng thức hải sản tươi sống. 

Cùng với số lượng người đến Nhà thờ đổ gia tăng nhanh chóng, xung quanh khu vực Nhà thờ đổ xuất hiện lên nhiều dịch vụ như: nhà nghỉ, nhà hàng, quán ăn phục vụ nhu cầu thưởng thức hải sản tươi sống. Cô Lê Thị Tươi (53 tuổi), chủ một nhà hàng gần Nhà thờ đổ cho biết: “Việc kinh doanh nhà hàng giúp đã đỡ đần về mặt kinh tế cho gia đình cô rất nhiều”. Trước đây gia đình cô cũng như các hộ dân khác chỉ sống bằng nghề chài lưới, nay phát triển du lịch giúp mọi người có nguồn thu nhập ổn định hơn. 

 Nhà thờ Đổ thu hút giới trẻ bởi vẻ đẹp cổ kính của một chứng tích thời gian.

Trong tương lai, có thể sẽ không còn được trông thấy “trái tim” trên cồn cát nữa, nhưng vẻ đẹp độc đáo của kiến trúc nhà thờ cổ, vẻ đẹp bình dị của miền biển Xương Điền sẽ còn lại mãi trong lòng người dân cũng như du khách.

Thu Hoài

Khách sạn ở gần Nhà Thờ Đổ Hải Lý (Xem tất cả)

SOJO Hotel Nam Định

Khách sạn
Bà Triệu, Nam Định
Cách Đền Trần 3.1km

920,000₫

Điểm du lịch gần Nhà Thờ Đổ Hải Lý

Đền Thánh Hưng Nghĩa

Huyện Hải Hậu, Nam Định
Cách đây 5.6km

Nhà Thờ Hưng Nghĩa

Huyện Hải Hậu, Nam Định
Cách đây 5.6km

Cánh Đồng Muối Hải Hậu

Thành phố Nam Định, Nam Định
Cách đây 6.9km

Vương Cung Thánh Đường Phú Nhai

Huyện Xuân Trường, Nam Định
Cách đây 12.2km

Bài viết liên quan Nhà Thờ Đổ Hải Lý

Từ lâu Nam Định đã nổi tiếng với những nhà thờ đẹp, có tuổi đời lâu năm và sở hữu lối kiến trúc ấn tượng. Vì thế nếu có dịp ghé thăm, bạn đừng quên đến chiêm ngưỡng vẻ đẹp của những nhà thờ nổi tiếng này nhé! 1. Nhà Thờ Bùi Chu Nhà Thờ Bùi Chu là 1 nhà thờ công giáo Roma có tọa lạc ở xã Xuân Ngọc, Xuân Trường, Nam Định. Bùi Chu là nhà thờ chính tòa của giáo phận Bùi Chu. Đây chính là nơi an nghỉ của 5 giám mục đã từng cai quản giáo phận nơi đây. Được xây dựng từ năm 1885, tòa giám mục Bùi Chu là một trong những nhà thờ cổ Nam Định còn giữ nguyên lối kiến...

Top 9 nhà thờ tại Nam Định với kiến trúc độc đáo mà bạn nhất định phải check-in
  • Nhà Thờ Đổ Hải Lý, Nam Định