Thái Nguyên là một tỉnh thuộc vùng Đông Bắc Việt Nam có nhiều địa danh, di tích lịch sử và cảnh quan thiên nhiên đẹp mắt. Du khách có thể đến thăm: Hồ Núi Cốc, Hang Phượng Hoàng - Suối Mỏ Gà, Đồi chè Tân Cương,... Thái Nguyên cũng nổi tiếng với các sản phẩm thủ công mỹ nghệ như chè thái nguyên, nón quai thao, giấy Dó... Bên cạnh đó, du khách có thể tham gia các hoạt động như leo núi, thăm quan di tích lịch sử và ẩm thực đặc sản của địa phương. Thái Nguyên là một điểm đến hấp dẫn cho những ai muốn khám phá về lịch sử, văn hóa và thiên nhiên của miền Đông Bắc Việt Nam.
Khí hậu chia làm 2 mùa rõ rệt, mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10 và mùa khô từ tháng 10 đến tháng 5 năm sau. Lượng mưa trung bình hàng năm khoảng 2.000 đến 2.500mm; cao nhất vào tháng 8 và thấp nhất vào tháng 1. Mùa đông được chia thành 3 vùng rõ rệt: Vùng lạnh nhiều nằm ở phía bắc huyện Võ Nhai; vùng lạnh vừa gồm các huyện Định Hóa, Phú Lương và phía nam huyện Võ Nhai; Vùng ấm gồm các huyện Đại Từ, Đồng Hỷ, Phú Bình, Phổ Yên, Thành phố Thái Nguyên và Thành phố Sông Công. Nhiệt độ chênh lệch giữa tháng nóng nhất (tháng 6 - 28,9°C) với tháng lạnh nhất (tháng 1 - 15,2°C) là 13,7°C. Tổng số giờ nắng trong năm dao động từ 1.300 đến 1.750 giờ và phân phối tương đối đều cho các tháng trong năm. Nhìn chung, khí hậu tỉnh Thái Nguyên thuận lợi cho phát triển ngành nông, lâm nghiệp.
Thái Nguyên là vùng đất được hình thành từ lâu đời, là nơi sinh sống của nhiều dân tộc, như: Kinh, Tày, Nùng, Dao, Sán Dìu, Sán Chay, Hoa… Chính vì vậy, Thái Nguyên là tỉnh có truyền thống văn hóa đa dạng và phong phú. Mỗi dân tộc trong tỉnh đều có bản sắc văn hóa riêng của mình, đồng thời trên cơ sở cộng cư đã hình thành niềm cộng cảm trong cộng đồng các dân tộc.
Là nơi lưu giữ những di sản văn hóa vật thể, phi vật thể mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Đến nay, tỉnh có 550 di sản văn hóa phi vật thể được kiểm kê đưa vào danh mục, trong đó có 01 di tích lịch sử văn hóa đặc biệt và 19 di sản được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, tiêu biểu như múa Tắc Xình của dân tộc Sán Chay (huyện Phú Lương), Lễ hội Núi Văn - Núi Võ (huyện Đại Từ), Tri thức trồng và chế biến chè Tân Cương (thành phố Thái Nguyên), hát Soọng Cô của dân tộc Sán Dìu, Lễ hội Đền Đuổm..., trong đó nhiều di sản phi vật thể được gắn với điểm du lịch cộng đồng để thu hút du khách. Cùng với hệ thống di tích, 189 lễ hội trải khắp địa bàn tỉnh được tổ chức định kỳ hàng năm. Với hệ thống di tích phong phú, giàu bản sắc văn hóa truyền thống, có thể khẳng định, Thái Nguyên là địa phương có nhiều tiềm năng phát triển du lịch gắn với các di tích, di sản văn hóa.
Thái Nguyên có nhiều điểm du lịch nổi tiếng như: Khu du lịch Hồ Núi Cốc, Khu du lịch Hang Phượng Hoàng, Khu di tích lịch sử ATK huyện Định Hoá, Suối Mỏ Gà, Khu Bảo tàng Văn hoá các dân tộc Việt Nam (tại thành phố Thái Nguyên) và các công trình kiến trúc nghệ thuật đền chùa như Đền Đuổm (Phú Lương), chùa Hang (Đồng Hỷ), chùa Phủ Liễn, đền Xương Rồng, đền Đội Cấn (thành phố Thái Nguyên).
Nhiều dân phượt giàu kinh nghiệm du lịch Thái Nguyên thường “rỉ tai” nhau rằng đừng quên đến đồi chè Tân Cương check-in. Khung cảnh mát mắt và vô tận với những đồi chè bạt ngàn sẽ khiến tinh thần bạn trở nên nhẹ nhàng hơn bao giờ hết. Đồng thời, không khí tươi mát và trong lành cũng khiến đầu óc được thả lỏng.
Đây là di tích lịch sử bạn không nên bỏ qua khi đến Thái Nguyên. Tọa lạc tại huyện Định Hóa, An toàn khu Định Hóa là căn cứ hoạt động quan trọng của cơ quan đầu não nước ta thời kháng chiến chống Pháp, lưu giữ nhiều chiến tích hào hùng một thời của dân tộc.
Hồ Núi Cốc là địa điểm du lịch quá nổi tiếng khi nhắc đến Thái Nguyên mà bạn nhất định phải ghé qua. Tại đây có hàng chục hoạt động vui chơi thú vị để bạn trải nghiệm như vui chơi tại công viên nước, công viên Cổ Tích, thăm sở thú, tham quan các đảo, xem sân khấu nhạc nước hay ghé thăm Huyền Thoại cung để nghe kể về câu chuyện tình yêu đẹp đẽ của chàng Cốc và nàng Công,...
Thác Nậm Rứt thuộc xã Thần Sa, huyện Võ Nhai, Thái Nguyên, cách trung tâm thành phố khoảng 35km và là điểm du lịch không thể bỏ qua ở Thái Nguyên. Nếu có dịp đến Thái Nguyên vào mùa mưa, bạn sẽ thích thú với thác nước trắng xóa. Vào mùa khô, bạn sẽ bắt gặp những mảng rêu xanh trên vách đá đổ xuống sông, tạo nên một mảng xanh sáng đẹp mắt khó quên cho chuyến đi của bạn.
Động Linh Sơn là một trong những danh lam thắng cảnh đẹp của Thái Nguyên, cách trung tâm thành phố khoảng 6km và thuộc núi Hột, dãy núi đá vôi nổi tiếng ở phía Tây bắc xã Linh Sơn. Động gồm có hai hang đá tự nhiên là hang Thiên và hang Địa. Trong đó, hang Thiên rộng hơn 360 mét vuông, nền hang bằng phẳng rồi phát triển nên như bậc tam cấp. Đặc biệt, những khối thạch nhũ tạo thành đôi rồng lượn trên mây và uốn lượn như chào đón bạn đến với thế giới kỳ diệu.
Thác Khuôn Tát nằm trên địa phận xóm Tỉn Keo, giữa núi rừng hoang vu và yên tĩnh. Bạn cũng yên tâm về độ xanh mát của thác vì xung quanh được bao bọc bởi rất nhiều cây cổ thụ. Thác có 7 tầng, nước từ trên cao tung bọt trắng xóa tạo thành dòng suối nhỏ ở phía dưới. Theo truyền thuyết địa phương, trong quá khứ, các loài động vật hoang dã khác thường đến đây uống nước và sinh hoạt. Thác Khuôn Tát như một người đẹp ngủ trong rừng, chắc chắn đây là địa điểm đầy vẻ hoang sơ bạn không nên bỏ qua khi du lịch Thái Nguyên.
Nằm tại trung tâm thành phố, Bảo tàng Văn hóa Dân tộc Việt Nam là điểm đến hấp dẫn với giá vé chỉ 20.000 đồng. Khám phá cuộc sống, nghệ thuật và văn hóa của các dân tộc anh em qua những hình ảnh sinh động. Khuôn viên rộng lớn với những di tích nhỏ của các dân tộc, như tháp Tràm của người Chăm, nhà sàn của dân tộc Tày, mang đến không khí yên bình đối lập với sự nhộn nhịp của thành phố. Đây là nơi để bạn tận hưởng khoảnh khắc bình yên và lưu giữ những kỷ niệm tuyệt vời.
Thái Nguyên mê hoặc trái tim mọi người bởi vẻ đẹp quyến rũ của Hang Phượng Hoàng và suối Mỏ Gà. Hai điểm đến này không chỉ hùng vĩ mà còn chứa đựng câu chuyện cảm động được truyền miệng từ thế hệ này sang thế hệ khác. Hang Phượng Hoàng tọa lạc bên đường Võ Nhai, với ba tầng hang Dơi, Sáng và Tối. Tầng thượng đưa bạn đến vùng đất xanh ngát, nhìn toàn cảnh ngôi làng xa xa. Suối Mỏ Gà ở phía dưới hang là nơi lý tưởng cho cắm trại, bơi lội, và tổ chức các hoạt động giải trí.
Chùa Hang Thái Nguyên là điểm đến tâm linh có lịch sử lâu đời từ thời nhà Lý, là trung tâm phật giáo lớn của tỉnh và nổi tiếng linh thiêng, thu hút nhiều du khách viếng thăm.
Khí hậu nơi đây nhìn chung khá ôn hòa, mát mẻ, bạn có thể đến đây quanh năm để tận hưởng cảnh sắc thiên nhiên và không khí trong lành. Tuy nhiên, mùa du lịch thích hợp nhất là mùa xuân và mùa hạ, đặc biệt là vào tháng Giêng. Bên cạnh tận hưởng thiên nhiên mát mẻ, bạn còn có cơ hội hoà mình vào những lễ hội mừng xuân độc đáo của các dân tộc ở Thái Nguyên.
Không khó để bạn di chuyển đến Thái Nguyên bởi điều kiện giao thông hạ tầng hiện tại đã khá phát triển. Xuất phát từ Hà Nội, bạn có thể tự lái ô tô, xe máy đến thành phố Thái Nguyên hoặc sử dụng các phương tiện công cộng như tàu hỏa, xe khách hoặc xe giường nằm. Thời gian chỉ gói gọn từ 1.5 - 2 giờ. Nếu xuất phát từ miền Trung hoặc miền Nam, bạn có thể đặt vé máy bay đến Hà Nội để tiết kiệm thời gian và tiếp tục di chuyển đến Thái Nguyên sau khi hạ cánh.
Bánh chưng Bờ Đậu là đặc sản của Phú Lương, Thái Nguyên. Món bánh chưng truyền thống này gồm gạo nếp vải, một trong những loại gạo đặc sản của vùng Phú Lương, lá dong rừng Na Ri, nếp dày và có bản rộng, lạt được chẻ từ cây giang của vùng núi Thái Nguyên, nhân đậu xanh và thịt ba chỉ. Bánh chưng Bờ Đậu gây ấn tượng bởi màu xanh của lá dong, hương thơm đặc trưng xen lẫn vị bùi của đỗ, vị ngậy của thịt ba chỉ. Làng nghề Bờ Đậu, xã Cổ Lũng, huyện Phú Lương nằm cách trung tâm thành phố khoảng 8 km, tiện đường cho du khách ghé đến thưởng thức và mua về làm quà.
Còn được gọi là bánh gio, bánh nẳng, là loại bánh dân dã của người Kinh, người Tày, người Sán Chay... Bánh được làm từ gạo nếp cái hoa vàng, gạo nếp vải ngâm trong nước tro đốt từ cây vừng và một số loại cây khác, dùng lá chít hoăc lá dong gói thành bánh đem luộc chín. Bánh tro ăn nguội, chấm với mật mía hay mật ong, có vị nồng, hăng nhẹ, cảm giác dịu mát ở đầu lưỡi. Bánh giúp làm mát ruột, dễ tiêu, thường được sử dụng trong dịp lễ, Tết.
Xôi ngũ sắc thường được người Tày vùng Định Hóa làm để dâng lên bàn thờ Bác ở nhà tưởng niệm trên đỉnh đèo De vào các dịp lễ, Tết. Xôi ngũ sắc có 5 màu cơ bản: màu đỏ của gấc, xanh của lá gừng hoặc lá dứa, vàng của nghệ, tím của lá cơm đen hoặc lá cây cau, trắng là màu nguyên bản. Theo quan niệm của người dân bản địa, xôi ngũ sắc thể hiện lòng yêu mẹ, kính cha, tình yêu son sắt, thủy chung của đôi lứa và những điều may mắn, tốt lành.
Nham là đặc sản nổi tiếng của xã Hà Châu, huyện Phú Bình. Vào mùa trám chín (cuối tháng 7, đầu tháng 8 âm lịch), người Hà Châu thường làm món này. Nham được làm từ 14 loại thực phẩm, gia vị dân dã: cá cháy bắt từ sông Cầu (hoặc cá mè trắng), thịt ba chỉ nướng thái nhỏ, vừng, lạc rang, khế chua, lá sung, lá vừng non, lá nhội, cùi dừa và củ chuối thái nhỏ, tương, dấm thanh... Người Hà Châu dùng bí quyết gia truyền làm ra món nham thơm ngon, béo, bùi, mang hương vị đồng quê. Ngon nhất là ăn nham trám cuốn lá nhội, chấm với tương nếp Úc Kỳ, cũng là một đặc sản của Phú Bình.
Cooc mò là loại bánh truyền thống của đồng bào Tày, Nùng ở Thái Nguyên. Lá dong cuộn lại như hình phễu, nhân làm từ gạo nếp nương và lạc sống giã nhỏ, buộc bằng lạt, xâu thành từng cặp hoặc từng chùm nhỏ, luộc trong khoảng hai giờ. Bánh chín có màu xanh nhạt của lá dong. Tuy không có nhân nhưng khi nhai cảm nhận được vị thơm, dẻo của gạo nếp và vị béo, bùi của lạc. Tùy khẩu vị mỗi người, bánh có thể chấm với muối vừng hoặc mật ong, đường kính.
Cơm lam là món ăn gắn với con suối nơi đầu nguồn, nương lúa bên sườn đồi và những vạt rừng tre nứa của vùng ATK Định Hóa. Cơm được nấu từ gạo nếp cái hoa vàng, trong một ống tre hoặc nứa thon dài, nướng bằng than hoặc rơm trong khoảng một giờ. Khi cơm chín, dùng dao bóc tách từng lớp vỏ cháy cho tới khi gặp các lớp màng lụa mỏng màu trắng ngà bọc lấy phần cơm dài thành khúc theo chiều dài ống nứa. Bẻ từng khúc cơm chấm với muối vừng. Cơm lam có thể ăn ngay hoặc để cả tuần mà vẫn mềm, ngon và không bị hỏng.
Ngải vốn là loại rau được người Tày trồng nhiều trong vườn nhà hoặc mọc nhiều ở ven suối. Ngọn non của rau ngải sau khi ninh với nước tro của cây nứa cho vào cối giã nhuyễn cùng gạo nếp đã đồ thành xôi đến khi chuyển sang màu xanh sẫm, dùng tay nặn thành hình tròn. Bánh ngải có nhân và không nhân. Nhân bánh ngải thường được làm từ đỗ xanh, lạc hoặc vừng rang giã nhỏ trộn lẫn đường. Bánh có vị hăng, mát, hơi tê tê của lá ngải dung hòa với vị dẻo, thơm của bột nếp và vị ngọt của nhân đường, mang đến hương vị lạ miệng, dễ ăn và không bị ngấy.
Bánh cốc mò là đặc sản của người Tày ở Thái Nguyên, được làm từ gạo nếp và lạc. Thay vì bọc lá dong, người dân ở đây sử dụng lá cây mai, cây chít. Điều này tạo ra một loại bánh mang hương vị đặc biệt và độc đáo.
Thổ nhưỡng và khí hậu Thái Nguyên giúp cây chè sinh trưởng tốt, cho ra những búp chè mập, chất lượng nên được mệnh danh là "đệ nhất danh trà". Chè Tân Cương có đặc điểm nước chè trong, màu xanh ngả vàng nhạt và sánh. Khi thưởng thức, có thể cảm nhận được vị chát đầu lưỡi, hậu vị ngọt đọng lại ở cuống họng, rất ít vị đắng.
Đây là sản vật địa phương của người dân xã Úc Kỳ (huyện Phú Bình) được làm từ đỗ tương và mốc được lên men từ gạo nếp thầu dầu ngon nổi tiếng trồng ở xã Úc Kỳ. Tương có màu vàng đậm, nhuyễn, sánh đặc như mật, đậm mùi thơm của nếp và đỗ tương, khi ăn để lại vị ngọt. Tương nếp Úc Kỳ có thể dùng để làm nước chấm ăn kèm các món ăn trong bữa cơm hoặc tẩm ướp, chế biến các món ăn hàng ngày.
Xóm Việt Cường, xã Hóa Thượng huyện Đồng Hỷ (Thái Nguyên) nổi tiếng với nghề làm miến gần 50 năm. Miến Việt Cường được làm từ củ dong riềng tía, vị ngọt mát, có màu nâu đặc trưng, không sử dụng phẩm màu. Miến được sản xuất theo quy trình nghiêm ngặt, vừa có độ dai, ngon, không bị nát, vừa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Trám đen là loại quả đặc sản của người dân vùng Hà Châu ven sông Cầu. Quả trám màu đen, cùi vàng, nhân bên trong hạt màu trắng. Thổ nhưỡng và khí hậu ven sông Cầu đã tạo nên vị béo bùi, hương thơm đặc trưng và lớp thịt dày cho quả trám Hà Châu. Mùa trám chín thường vào khoảng tháng 7-8 Âm lịch. Ngoài nham, trám đen còn làm được rất nhiều món ăn khác như kho với thịt, cá, nấu xôi, ngâm mắm. Giá trám đen tương đối cao, một kg trám dao động 100.000 - 150.000 đồng.
Đây là những cây măng được lấy từ rừng Ngàn Me, được bày bán khá nhiều ở chợ Chùa Hang, Đồng Hỷ và dọc Quốc lộ 1B đoạn qua cầu Gia Bẩy. Măng bóc vỏ, để nguyên cây luộc qua hai lần nước, hết ngái là có thể ăn được. Cách đơn giản nhất là luộc chấm với muối ớt, khi ăn cảm nhận được độ giòn tươi, vị đắng nhẹ nhưng không chát của măng quyện với vị mặn, cay của muối ớt. Măng cũng có thể xào, nấu canh, mang đến những hương vị khác nhau
Cần lưu ý trước tình hình thời tiết để đảm bảo an toàn và có trải nghiệm tốt nhất.
Mua quà lưu niệm khi đi du lịch Thái Nguyên du khách nên tham khảo giá trước để so sánh, tránh tình trạng bị “nói thách”.
Nên tìm đến những địa chỉ chính gốc để thưởng thức các món đặc sản của Thái Nguyên.
Mang theo trang phục phù hợp với thời tiết. Mặc quần áo đơn giản, lịch sự khi đến tham quan những nơi như đình, chùa.
Nên đặt phòng, đặt vé trước khoảng 1 tuần để lịch trình nghỉ ngơi, di chuyển được thuận lợi, suôn sẻ.