Cẩm nang Du lịch Cù Lao Chàm từ A đến Z mới nhất

Cẩm nang Du lịch Cù Lao Chàm từ A đến Z mới nhất

Mục lục

Mục lục

1. Đến Cù Lao Chàm bằng phương tiện gì?

Cù Lao Chàm hay còn được biết đến với tên gọi khác là Chiêm Bất Lao, Tiêm Bích La, Palaucham cách đất liền 18 km. Tổng diện tích khoảng 15 km2 bao gồm 8 đảo: Hòn Lao, Hòn Dài, Hòn Mồ, Hòn Khô mẹ, Hòn Khô con, Hòn Lá, Hòn Tai, Hòn Ông, trong đó rừng chiếm khoảng 90% và có hơn 3.000 cư dân sinh sống. Để đến Cù Lao Chàm, bạn cần có mặt tại cảng Cửa Đại hoặc bến Bạch Đằng (phố cổ Hội An) tỉnh Quảng Nam, sau đó di chuyển bằng cano cao tốc hoặc thuyền gỗ tới đảo.

Di chuyển đến Hội An:

  • Máy bay : Hội An thuộc tỉnh Quảng Nam có sân bay Chu Lai nhưng lại ở gần sân bay Đà Nẵng hơn. Hiện nay các hãng hàng không như Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo airways, Jetstar đều có khai thác các đường bay từ TP. HCM và Hà Nội đến Đà Nẵng. Lời khuyên là muốn mua được vé rẻ bạn nên đặt sớm và hãy săn các chương trình khuyến mãi của các hãng. Thời gian di chuyển chỉ khoảng 1- 1,5 tiếng đồng hồ.
  • Tàu hỏa: Từ Hà Nội hoặc TP Hồ Chí Minh đều có tuyến tàu hỏa đến ga Đà Nẵng, ga Tam Kỳ (Quảng Nam), giá vé dao động từ 400.000đ đến 1.200.000đ tùy loại tàu và loại ghế. Mất từ 14 đến 20 tiếng để đi từ hai thành phố này. Bạn có thể đến phòng vé tại nhà ga để mua hoặc đặt vé trực tuyến qua trang web: dsvn.vn của nghành đường sắt Việt Nam.
  • Xe khách: chỉ tốn khoảng 400.000đ – 500.000đ. Có rất nhiều hãng xe như: Xe Hoàng Long, Camel Travel,  Hưng Thành, Mai Linh, Queen Cafe, Thuận Thảo, Phi Hiệp ….  Thời gian 18 đến 20 tiếng từ Hà Nội/Sài Gòn đến Hội An hoặc Đà Nẵng.

Hiện nay các công ty du lịch tổ chức tour Cù Lao Chàm đều có xe đưa đón khách tại 2 thành phố Hội An và Đà Nẵng khi bạn đặt tour cực tiện lợi.

Nếu bạn muốn đi tự túc thì hãy tham khảo giá cả các phương tiện từ trung tâm TP Hội An đến Cảng Cửa Đại: 

  • Taxi từ Hội An đến Cảng Cửa Đại: 08 km tính từ trung tâm khoảng 70,000 – 100,000 vnđ /1 chiều
  • Thuê xe máy giá giá từ 100.000 – 150.000 vnđ /1 ngày chưa tính tiền xăng. Phí gửi xe máy tại Cảng với giá 10,000 vnđ /1 xe

Vì điểm trung chuyển đến Hội An chủ yếu hiện nay là bến tàu, xe Đà Nẵng. Từ đó bạn có thể bắt xe bus, gọi taxi, xe ôm, thuê xe ô tô, xe máy tới Cảng Cửa Đại. Tham khảo giá cả các phương tiện từ trung tâm TP Đà Nẵng đến Cảng Cửa Đại: 

  • Taxi, thuê ô tô (4 chỗ, 7 chỗ , ..) Đà Nẵng đi Cảng Cửa Đại tùy theo số lượng để đặt xe cho phù hợp. Khoảng cách 35 km tính từ trung tâm giá khoảng 400– 450,000 vnđ / 1 chiều / 1 xe.
  • Xe Buýt từ Đà Nẵng đến Hội An: 50,000 vnđ / 1 chiều. Sau đó bắt taxi hoặc xe ôm đến Cảng Cửa Đại thêm 100.000 VNĐ
  • Thuê Xe máy từ Đà Nẵng đến Cảng Cửa Đại giá từ 100.000 – 150,000 vnđ /1 ngày chưa tính tiền xăng. Phí gửi xe máy tại Cảng với giá 10,000 vnđ /1 xe.

Phương tiện đi Cù Lao Chàm từ Cảng Cửa Đại 

Sau khi có mặt tại bến cảng Cửa Đại, bạn có thể lựa chọn đi Cano hoặc tàu chợ (tàu gỗ) để ra đảo khoảng cách là 18km. Cụ thể như sau:

Ca nô cao tốc: Bình thường mùa hè mỗi ngày sẽ chạy 2 chuyến khởi hành lúc 08h30, 14h00 trở về lúc 07h30, 14h30 hàng ngày. Đây cũng là phương tiện được nhiều du khách lựa chọn nhất vì chỉ mất khoảng 15- 20 phút ngồi ca nô là tới và không lo bị say sóng.

  • Ưu điểm: Nhanh, tiện lợi, an toàn và cảm giác phiêu cùng sóng biển.
  • Giá vé Ca Nô cao tốc đi từ Cảng Của Đại đến Cù Lao Chàm và ngược lại: 350,000 vnđ/ 1 người đi về trong ngày. Trung bình 1 ngày có 2 chuyến xuất phát tử Cửa Đại vào lúc 08h00 và 14h00. Và ca nô di chuyển từ Cù Lao Chàm vào cảng lúc 07h00 và 13h30 hàng ngày.

Khi thời thiết không ổn định hoặc có gió to sóng lớn các ca nô sẽ không được phép xuất bến theo quy định của ban quản lý Cảng Cửa Đại bạn cần xem dự báo thời tiết để tránh việc tới nơi mà phải mất công đi về. 

Tàu gổ (tàu chợ): Ngày trước tàu gỗ là phương tiện di chuyển chính, cũng là phương tiện dùng để chuyên chở hàng hóa từ đất liền ra đảo và từ đảo về đất liền. Nếu lựa chọn tàu chợ bạn sẽ tiết kiệm được kha khá chi phí, đặc biệt là mang được cả xe máy ra đảo.

  • Xuất phát từ 07h30 tại cảng Hội An đến cảng Cửa Đại lúc 08h30 quay về lại lúc 12h30 trong ngày.
  • Ưu điểm: Giá rẻ 80.000 vnđ /1 khách
  • Khuyết điểm: Đi chậm và dễ say sóng rất mệt.

Phương tiện đi lại trên đảo Cù Lao Chàm

Thuyền gổ ngư dân: ngoài việc dùng cho việc đi biển đánh cá, một số thuyền gổ được nâng cấp để phục vụ cho du khách. Bạn có thể thuê thuyền của ngư dân để đi tham quan một vòng quanh đảo và các hòn đảo nhỏ xung quanh hay đi câu cá, câu mực với giá mỗi thuyền khoảng là 400.000 – 500.000 vnđ.

Thúng Chai: Đây là phương tiện nhỏ dùng để di chuyển từ bến tàu ra các thuyền neo đậu ngoài biển hoặc để người dân đánh bắt hải sản gần bờ. Nếu muốn cảm giác mới mẻ bạn có thể trực tiếp liên hệ với người dân đại phương để thử, giá cả thỏa thuận.

 Xe đạp, Xe Máy, xe ôm: Bạn có thể chọn cho mình 1 chiếc xe đạp, xe máy hay xe ôm để khám phá mọi ngóc ngách hòn đảo. Giá thuê xe máy ở Cù Lao Chàm từ 100.000-150.000 vnđ/1 ngày (chưa bao gồm chi phí xăng). Lưu ý trên đảo nhiều dốc thẳng đứng và đường gồ ghề khó đi, cần kiểm tra hệ thống phanh hãm. Và điều đặc biệt lưu ý là nên đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông. Nếu cần một người hướng dẫn viên bản địa thì xe ôm là phương tiện lý tưởng nhất. 

 

2. Đi Cù Lao Chàm vào mùa nào trong năm?

Thời gian hợp lý nhất thì bạn nên đi du lịch Cù Lao Chàm là vào khoảng tháng 03 đến cuối tháng 09. Thời tiết đẹp, nắng ấm, sóng yên biển lặng, là dịp bạn có thể thoải mái khám phá Cù Lao Chàm. Thời gian tốt nhất để đi là vào buổi sáng, để có nhiều thời gian vui chơi và tham quan tại đây.

Một thời điểm rất quan trọng quý khách không nên đi Cù Lao Chàm để tránh nguy hiểm và có thể bị kẹt lại đảo dài ngày thường rơi vào tháng 11 hàng năm và kết thúc vào cuối tháng 01 của năm tiếp theo. Thời gian này mưa to, gió lớn sẽ kéo dài và rất nguy hiểm cho chuyến đi của bạn.

Nếu muốn kết hợp chuyến đi của mình với việc tham quan đèn lồng phố cổ Hội An thì các bạn nên đi vào ngày 14,15 các tháng âm lịch.

Nếu muốn ngắm hoa ngô đồng đỏ rực trên triền núi thì đi vào tháng 7 – 8, theo con đường bê tông uốn lượn qua các khu vực bãi Làngbãi Xếp, bãi Bìm và bãi Hương.

Đặc biệt, có những lễ hội đặc sắc ở Cù Lao Chàm các bạn có thể đi vào dịp này để hòa mình vào không khí sôi nổi của các lễ hội và tìm hiểu nét văn hóa tín ngưỡng của cư dân như: Lễ hội Cầu Ngư (ngày 3-4 tháng 4 âm lịch) hay Lễ giỗ Tổ nghề Yến (ngày 9-10 tháng 3 âm lịch).

 

3. Đến Cù Lao Chàm nên ở đâu?

Đến Cù Lao Chàm ở lại chổ nào? là câu hỏi được nhiều bạn quan tâm nhất. Cù Lao Chàm còn khá hoang sơ, chưa phát triển lắm về dịch vụ lưu trú. Nơi đây tập trung chủ yếu các homestay, thay vì các khách sạn, khu nghỉ dưỡng sang trọng. Thông qua những homestay thân thiện của người dân địa phương. Nếu bạn đi du lịch Cù Lao Chàm 2 ngày muốn qua đêm trên đảo thì có thể thuê phòng vừa nghỉ ngơi vừa trải nghiệm cuộc sống bình dị cùng ngư dân, cùng nấu nướng, ăn uống, giao lưu văn hóa với bà con như sống chung trong gia đình. 

 

Các homestay Cù Lao chàm tập trung ở bãi Ông, bãi Làng và bãi Hương. Hiện nay đã có điện lưới quốc gia nên các Homestay Cù Lao Chàm rất đầy đủ tiện nghi bạn hoàn toàn yên tâm. Giá dịch vụ của các homestay dao động từ 150,000 VNĐ – 200,000 VNĐ /người hoặc 400,000 VNĐ / phòng 2 người.Xin giới thiệu một số Homestay tại Cù Lao Chàm tiêu chuẩn và được nhiều người chọn khi đến Cù Lao Chàm.

Danh sách Homestay Cù Lao Chàm:

  • Gia Thành Homestay 
    • Địa chỉ : Bãi Làng, Cù Lao Chàm, Quảng Nam
  • Sun Bay Homestay 
    • Địa chỉ : Bãi Làng, Cù Lao Chàm, Quảng Nam
  • Ms Tâm Hiền Homestay
    • Địa chỉ: Bãi Ông, Cù Lao Chàm, Quảng Nam
  • Ms Bích Vân Homestay
    • Địa chỉ : Bãi Ông, Cù Lao Chàm, Quảng Nam
  • Mr Huỳnh Văn Trí Homestay
    • Địa chỉ : Bãi Làng, Cù Lao Chàm, Quảng Nam
  • Ms Thư Trang Homestay
    • Địa chỉ : Bãi Làng, Cù Lao Chàm, Quảng Nam
  • Ms Lan Homestay
    • Địa chỉ : Bãi Hương, Cù Lao Chàm, Quảng Nam
  • Ms Hiệp Homestay
    • Địa chỉ : Bãi Hương, Cù Lao Chàm, Quảng Nam

Các Homestay này không chỉ cung cấp dịch vụ lưu trú lại mà còn cung cấp đầy đủ cho du khách các dịch vụ bổ sung như: giặt đồ, cho thuê xe… 

Cắm trại qua đêm trên bãi biển

Ngoài ra nếu các bạn muốn hòa mình vào thiên nhiên ngắm trăng ngắm sao thì có thể mang theo lều trại hoặc thuê lều cắm trại ở Cù Lao Chàm qua đêm trên các bãi biển: Bãi Ông, Bãi Xếp, Bãi Hương…. Giá cho thuê 1 lều từ: 250,000 VNĐ – 350,000 VNĐ tùy vào kích cỡ của lều.

 

4. Đến Cù Lao Chàm nên tham quan địa điểm nào?

Cù Lao Chàm nổi tiếng với cảnh quan thiên nhiên còn hoang sơ, màu xanh của núi rừng. Những bãi biển với bờ cát dài trắng mịn, làn nước trong vắt đến mức có thể nhìn xuống tận đáy. Đặc biệt là hệ động, thực vật phong phú cùng những di tích lịch sử có niên đại hàng ngàn năm. Cù Lao Chàm được xem là “hòn ngọc xứ Quảng”, hút du khách trong nước và quốc tế khám phá, trải nghiệm. 

Cầu Cảng Bãi Làng

Điểm dừng chân đầu tiên khi thuyền cập cảng Cù lao Chàm chính là Bãi Làng. Nơi tập trung dân cư đông nhất và là khu trung tâm hành chính chính của đảo. Tuy bãi không dành để tắm và chỉ làm nơi neo đậu tàu thuyền, nhưng ở đây bạn có thể nhìn thấy nước biển trong vắt và thậm chí nhìn tận được dưới đáy. Cầu cảng và bãi đá cũng là điểm lý tưởng cho các bạn trẻ chụp hình tuyệt đẹp.

Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm

Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm là nơi các bạn có thể tìm hiểu lịch sử hình thành, các phong tục truyền, các lễ hội văn hóa của người dân bản địa và các sản vật biển của vùng biển này. Gian trưng bày thứ nhất đặt chiếc Sa Bàn tái hiện lại toàn bộ Đảo Cù Lao Chàm cho du khách cái nhìn tổng quát nhất, gồm 8 hòn đảo lớn nhỏ với tên gọi khác nhau thuộc xã đảo Tân Hiệp, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam. 

Gian thứ hai là nơi trưng bày các mẫu sinh vật biển khu vực Cù Lao Chàm. Tại đây du khách còn có dịp được chiêm ngưỡng nhiều mẫu sinh vật đang nằm trong danh sách được bảo tồn như Cua Đá – loài cua chỉ xuất hiện ở Cù Lao Chàm, Rùa Biển, Rạng san hô, các loại Tôm Hùm…

Xung quanh còn trưng bày hình ảnh trực quan sinh động về cuộc sống của người dân làng chài, về thông điệp đặc trưng chỉ có ở Cù Lao Chàm đó là không mang túi nilon lên đảo để bảo vệ môi trường, bảo vệ loài động vật Rùa Biển và các rạng san hô. Tại đây cũng trưng bày các vật dụng đi biển của người dân địa phương từ xưa đến nay như: áo tơi, ghe, thuyền thúng,…. giúp du khách có thể hiểu hơn về cuộc sống và văn hóa của người dân biển xứ đảo Cù Lao.

Giếng cổ Người Chămpa

Giếng cổ được người Chămpa xây dựng cách đây khoảng 200 năm, nằm trong khu dân cư Xóm Cấm tại ngã ba con đường bê tông của khu dân cư cùng tên. Giếng Xóm Cấm là một trong những giếng cổ tiêu biểu ở Cù Lao Chàm, là một điểm tham quan du lịch hấp dẫn khi bạn đến với hòn đảo xinh đẹp này. Giếng được xếp hạng di tích cấp quốc gia năm 2006. Với bốn bề là biển, nhưng đây là nguồn nước ngọt duy nhất trên đảo không bị nhiễm phèn, nhiễm mặn. Điều kỳ lạ là nhiều người dân trên đảo đã thử đào giếng ở những vị trí khác nhau nhưng đều không thể nào tìm được mạch nước ngọt.

 

Giếng cổ này cũng là nơi cung cấp nguồn nước ngọt cho thuyền đánh cá và các thương thuyền trong hành trình trên “Con đường gốm sứ, tơ lụa, hương liệu trên biển” vào các thế kỷ trước mà thư tịch cổ đề cập. Giếng cổ Cù Lao Chàm mang đặc trưng của giếng Chăm Pa cổ. Thân giếng hình ống tròn, nền giếng hình vuông, diện tích khuôn viên giếng khoảng 15m2, đường kính miệng giếng khoảng 1,2m. Lòng giếng xây gạch tô vữa vôi, được xây theo kiểu “vành khăn”. Độ sâu từ miệng giếng đến đáy giếng khoảng 5m. Người dân địa phương lưu truyền nhiều giai thoại như uống nước giếng có thể chữa say sóng biển; hay cầu duyên, sinh con theo ý muốn…

Âu Thuyền

Âu thuyền ở Cù Lao Chàm nằm giữa khu vực Bãi Làng và Bãi Ông, nơi neo đậu an toàn cho tàu thuyền mỗi khi có bão. Âu thuyền Cù Lao Chàm ngày xưa từng là một thương cảng sôi động và là nơi dừng chân của các thuyền buôn trong nước cũng như quốc tế. Vị trí thuận lợi trong con đường tơ lụa trên biển cộng với chính sách mở cửa của các chúa Nguyễn, đã nâng cao vai trò của âu thuyền Cù Lao Chàm, góp phần làm nên một cảng Hội An phồn thịnh vang danh trong lịch sử.

Chùa Hải Tạng

Chùa Hải Tạng là công trình kiến trúc tôn giáo tín ngưỡng thờ Phật kết hợp thờ thần thánh nhằm đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của người dân trên đảo nói riêng và cho thương thuyền các nước ghé vào hành lễ cầu mong được phù hộ trên con đường làm ăn của họ. Ngôi chùa tọa lạc ngay chân núi phía Tây hòn Lao, uy nghi và cổ kính, trước mặt chùa là cánh đồng rộng lớn.

Chùa được xây dựng vào thời kỳ Cảnh Hưng thứ 19 tức vào năm 1758 ở vị trí cách nơi chùa cũ 200 m về phía bắc, sau vì do bão gió được làm hư hại nặng và để thuận tiện cho các tín đồ đến làm lễ, nên vào năm Tự Đức nguyên niên 1848 chùa được dời về vị trí hiện nay và tiếp tục được sửa chữa, tôn tạo khang trang hơn. Dù thiên nhiên khắc nghiệt và phải đương đầu với gió bão hàng trăm năm qua nhưng đến nay ngôi chùa vẫn tồn tại gần như nguyên vẹn cả về kết cấu kiến trúc, mỹ thuật cũng như hình thức bố trí thờ tự bên trong.

Tịnh Xá Ngọc Truyền

Tịnh xá Ngọc Truyền là một trong 3 ngôi chùa tại vùng biển đảo Cù Lao Chàm được thành lập vào năm 1966. Tịnh xá ẩn mình phía dưới một dãy núi lớn, mặt trước hướng về đất liền. Tịnh xá Ngọc Truyền với tiếng chuông dóng dả mỗi ngày như một nguồn lực vô hình níu giữ các phật tử với cù lao, làm cho họ không cảm thấy đơn độc giữa đảo xa…

Lăng Ông Ngư

Ở Cù Lao Chàm, người dân biển thờ cúng cá Ông trong tinh thần tôn kính bởi tương truyền họ luôn được cá Ông cứu giúp khi gặp nạn trên biển. Lăng Ông Ngư nằm ở thôn Bãi Lãng được xây dựng vào cuối thế kỷ XIX, là công trình kiến trúc thờ cá Ông điển hình nhất ở Hội An đã được xếp hạng di tích cấp quốc gia năm 2006. Lăng có mặt nhìn ra biển, bố cục kiểu chữ đinh. Phía trước là bình phong hình cuốn thư, trang trí đề tài Long mã, Thần Ngư hí nguyệt. Kiến trúc chính điện và hậu tẩm kiểu cuốn vòm đặc trưng, mái lợp ngói âm dương, trang trí đề tài tứ linh, lưỡng long tranh châu. Hậu tẩm là nơi quàng các hòm xương cá Ông. Bàn thờ chính đặt 13 bài vị cá Ông, hai bên thờ tả hữu ban và các vị phò tá.

Hằng năm vào ngày mồng 3-4 tháng 4 âm lịch, tại di tích, cộng đồng ngư dân Cù Lao Chàm long trọng tổ chức lễ cầu ngư theo nghi thức truyền thống nhằm tạ ơn và cầu mong ngài Nam Hải cùng chư thần biển phù hộ, độ trì cho ngư dân làm ăn được bình an, thuyền về tôm cá đầy khoang.

Chợ Tân Hiệp

Đến Cù Lao Chàm, du khách không thể bỏ qua chợ Tân Hiệp, nhiều người gọi là Chợ Cù Lao Chàm, nằm ngay khu vực bến tàu. Chợ gồm 2 khu, khu trong nhà bày bán các loại hải sản, đặc sản khô như: tôm, mực, cá sấy khô, hoặc rim. Ở khu chợ này, du khách hoàn toàn có thể thoải mái nếm thử những món đồ ăn ở đây trước khi mua chúng. Ngoài ra tại đây còn có các gian hàng bán các món đồ trang sức, đồ lưu niệm độc đáo làm từ vỏ sò, ốc hoặc đá bạn có thể mua về làm quà cho bạn bè người thân. Điều đặc biệt là du khách mua hải sản ở đây rất tươi ngon mà giá thành lại rẻ hơn đất liền rất nhiều, bởi các hải sản ở đây được chính ngư dân đánh bắt được và mang ra bán ngay cho người dân địa phương và du khách.

Bãi Ông

Bãi Ông được xem là một trong những bãi biển nổi tiếng nhất ở Cù Lao Chàm, trải dài theo một eo núi hướng bắc của hòn Cù Lao. Đây là bãi tắm đông khách nhất, có dịch vụ du lịch phát triển nhất, các tour Cù Lao Chàm thường đưa khách đến đây ăn trưa, nghỉ ngơi. Với bãi cát trắng mịn thoai thoải trải dài, nước biển trong xanh, hàng dừa thẳng tắp mát mẻ, luống rau muống biển xanh ngắt một màu bao phủ tạo nên một bức tranh phong cảnh lãng mạn, trữ tình đẹp mê hồn. Ngoài ra bạn có thể tham gia các trò chơi thể thao trên biển như dù kéo, mô tô trên biển, nhà phao hay thuyền kéo…

Sân đáp trực thăng

Từ bến cảng, vòng theo hướng qua bến tàu thuyền neo đậu tránh bão bạn sẽ đến bãi đáp trực thăng dùng làm nơi trực thăng dân dụng và trực thăng chuyên chở khách du lịch lên đảo. Đứng trên bãi đáp trực thăng bạn có thể phóng tầm mắt ngắm nhìn toàn bộ phong cảnh rất đẹp từ Hòn Lao ra Bãi Ông và Hòn Dài ở phía xa xa. Với bãi đất rộng trống có thể tạo cho các bạn không gian thoải mái để check in với mọi kiểu dáng.

 

 

Con đường Hoa Ngô Đồng

Hoa ngô đồng Cù Lao Chàm nở rộ và đẹp nhất là vào cuối Hạ đầu Thu khoảng tháng 7 và tháng 8. Vào mùa hoa nở rộ, đi dọc theo con đường dốc núi quanh co của Bãi Làng, Bãi Xếp, Bãi Hương, lúc này ngô đồng bừng nở sắc hoa đỏ thắm cả một góc rừng. Bất chấp thời tiết khắc nghiệt, nắng gió, bão bùng… những cây ngô đồng mạnh mẽ vươn lên mọc rải rác khắp sườn núi đá cằn cỗi từ Bãi Làng đến Bãi Hương như ý chí kiên cường, cần mẫn của người miền Trung trước những gian nan, thử thách.

 

Bãi Xếp

Bãi Xếp nằm về phía Nam Hòn Lao là một bãi biển đẹp, còn hoang sơ, nước rất trong xanh. Nơi đây không có dân cư sinh sống, bãi biển chưa được khai phá, không có nhà hàng. Đặc biệt có những rạn san hô thuộc loại đẹp nhất vùng biển này nên thường được các công ty tổ chức tour lặn ngắm san hô Cù Lao Chàm.

Bãi Chồng

Bãi Chồng không có người dân sinh sống nên mọi thứ hầu như vẫn giữ được nét hoang sơ vốn có. Ở đây có bãi cát trắng mịn trải dài, có những hàng dừa thẳng tắp, có thảm thực vật xanh mướt với những khe nước tự nhiên chảy từ trên cao xuống và những mỏm đá đa hình hài gợi trí tưởng tượng phong phú. Điểm xuyết cho bãi tắm cát trắng nước trong tuyệt đẹp là những hòn đá được thời gian mài tròn, xếp chồng lên nhau như biểu tượng âm – dương, vợ – chồng làm cho cảnh quan thiên nhiên nơi đây vô cùng thơ mộng… Dù không có người sinh sống trên đảo nhưng dịch vụ du lịch ở Bãi Chồng khá là phát triển, không thiếu các nhà hàng phục vụ ăn uống, nghỉ ngơi và tắm nước ngọt. Các hoạt động vui chơi giải trí đầy hấp dẫn như chơi dù lượn hay lái Jet Ski hứa hẹn sẽ là điểm đến tuyệt vời nhất trong chuyến du lịch Cù Lao Chàm.

Rẫy Ông Bàng

Rẫy Ông Bàng tọa lạc ở phía đông nam đảo du lịch Cù Lao Chàm ,Thành phố Hội An, Tỉnh Quảng Nam. Nơi có nhiều cảnh đẹp thiên nhiên của núi rừng, khung cảnh hoang sơ, là nơi lý tưởng để dừng chân, tham quan, lưu trú, ăn uống và tận hưởng cuộc sống hòa mình cùng thiên nhiên núi rừng hoang dã.

Để đi đến Rẫy Ông Bàng, quý khách phải di chuyển trên cung đường ven biển gần 2 km đi qua các điểm tham quan lung linh bậc nhất tại Cù Lao ChàmCon đường cây Ngô Đồng, Bãi Xếp, Khu sinh Thái rẫy Ông Thơ

Khu du lịch sinh thái Rẫy Ông Bàng

Phía trước rẫy là bãi biển tuyệt đẹp, phù hợp cho tắm biển và sinh hoạt lửa trại, bước lên đồi là vườn ăn quả lâu năm duy nhất còn sót lại, rất hoang sơ trên đảo. Rẫy Ông Bàng trước đây được cha mẹ anh Mai Bàng khai hoang và trồng trọt từ năm 1972.

Bãi Hương

Bãi Hương, có tên cổ là làng Phú Hương, ở cực nam của hòn Cù Lao, nằm sát mép biển tây, nhìn vào đất liền. Bây giờ, bãi Hương vẫn là một làng chài nguyên sơ, ngoài đánh bắt thủy hải sản, tham gia khai thác yến sào, người dân nơi đây còn làm dịch vụ du lịch, lưu trú, bán hàng lưu niệm cho du khách. Làng nằm dưới chân một cánh rừng tự nhiên xanh thẳm, ẩn mình trong một eo núi, có thể tránh được những cơn bão từ biển Đông. Có lẽ vì ở một nơi hẻo lánh, cách biệt với đất liền như vậy, nên người dân ở làng quê tịch mịch này vẫn giữ được nét hồn hậu, chân tình. So với các bãi khác thì Bãi Hương không thích hợp cho việc tắm biển bởi có nhiều tàu thuyền neo đậu. Tuy nhiên, đây lại là nơi lý tưởng để khám phá cuộc sống của ngư dân với những làng nghề truyền thống cũng như thưởng thức hải sản thơm ngon. Hải sản được đánh bát trực tiếp nên rất tươi ngon, giá cả cũng rất phải chăng.

Tịnh Xá Ngọc Hương

Tịnh xá Ngọc Hương nằm trên bãi Hương có địa thế lưng tựa núi mặt hướng biển. Trong 3 ngôi chùa của Cù Lao Chàm thì chùa Hải Tạng theo dòng Phật Giáo Đại Thừa, còn Tịnh xá Ngọc Truyền và Tịnh xá Ngọc Hương theo dòng Phật giáo Tiểu Thừa. Tịnh xá Ngọc Hương nhỏ hơn, nhưng lâu đời hơn và nằm ở vị trí đẹp, bầu không khí yên bình, tĩnh lặng nên vẫn luôn hấp dẫn nhiều du khách và những tín đồ Phật giáo đến thăm viếng mỗi năm. Ngoài tham quan vãn cảnh chùa bạn còn có thể dùng bữa cơm chay tại đây.

Miếu Tổ nghề yến

Miếu Tổ nghề yến là công trình kiến trúc tín ngưỡng độc đáo và quy mô ở Cù Lao Chàm đã được xếp hạng di tích cấp quốc gia vào năm 2006. Miếu tọa lạc trên gò cát bên cạnh khe Cây Cừa, thuộc Bãi Hương. Ngôi miếu được xây dựng quy mô vào năm Tự Đức nguyên niên (1848) bởi ông Hồ Văn Hòa và một số chức dịch làng Thanh Châu để thờ Tổ nghề khai thác yến sào và các vị thần bảo hộ nghề. Miếu nhìn ra biển, phía trước là tam quan đề tên miếu và các cặp câu đối Hán Nôm. Sát bên trong là cây nánh và cây kén cổ thụ được công nhận là cây di sản Việt Nam. Hiện tại ngôi miếu còn lưu giữ tấm bia đá và nhiều bức hoành, bài vị có giá trị. Hằng năm, vào ngày 10/3 âm lịch, lễ tế Tổ nghề khai thác yến sào được tổ chức long trọng tại ngôi miếu nhằm cầu cho việc khai thác yến sào được bình an, thuận lợi, nghề yến ngày ngày phát triển.

Hang Yến

Vòng qua phía đông Hòn Lao, toàn những vách đá nứt thẳng đứng, đáy ngập nước biển và gió thổi mạnh. Từng đàn chim yến về làm tổ và đẻ trứng trên cao, cheo leo nơi vách núi. Hang Yên nơi nuôi chim yến tự nhiên, cho ra đời đặc sản yến Cù Lao Chàm, là địa điểm không thể bỏ lỡ. Muốn xem khu vực chim yến làm tổ, tốt nhất du khách nên đi vào buổi sáng. Như vậy sẽ đỡ say sóng và có thể đến gần vách đá hơn để nhìn tận mắt tổ yến trên cao, cheo leo nơi vách núi.

 

Cây đa di sản

Cây đa nằm trên sườn Đông đảo Hòn Lao đã hơn 600 năm tuổi. Cây đã chứng kiến sự đổi thay từng ngày trên vùng đất xã đảo, đó là người bạn, niềm trân trọng mà người dân nơi đây gìn giữ bấy lâu nay. Cây đa có một thân chính và 6 thân phụ to lớn phân bố ở 3 phía Đông, Tây, Bắc của cây, trở thành hệ thống chống đỡ đẹp mắt, tạo điều kiện cho tán cây tỏa rộng.

 

Suối Tình – Rẫy Ông Thơ

Suối Tình được bắt nguồn từ đỉnh của các ngọn núi thuộc khu vực Hòn Lao chảy len lỏi qua các vạt rừng rậm rạp, các ghềnh đá nhiều hình thù kỳ thú và đổ ra vị trí cuối Bãi Làng. Hiện nay tại địa điểm rẫy ông Thơ ngôi nhà của ông Nguyễn Vinh tại đã được phục dựng trở thành điểm giáo dục thiên thiên cộng đồng. Du khách có thể đến đây để đi dạo, nghỉ ngơi thả hồn theo con suối thơ mộng, tìm hiểu hệ sinh thái phong phú của Cù Lao Chàm và ngắm nhìn toàn cảnh biển đảo từ trên cao.

 

5. Đến Cù Lao Chàm nên ăn gì?

Khi đến với Cù Lao Chàm, một trong những điều sẽ làm bạn nhớ nhất về nơi đây chắc hẳn là nền ẩm thực đa sắc vị, luôn để lại cho du khách những ấn tượng khó phai.

Hải sản tươi sống tại Cù Lao Chàm

Hải sản Cù Lao Chàm nổi tiếng rất bổ dưỡng, mặn nồng mùi vị biển, mang đậm dấu ấn văn hóa biển. Đến Cù Lao Chàm để thưởng thức hải sản, du khách nên ghé qua “chợ hải sản ăn liền” với nhiều hải sản ngon, bổ, rẻ, cho bạn thỏa sức lựa chọn. Nào cùng khám phá và thưởng thức các món ăn đặc sản Cù Lao Chàm ngon nhất và hấp dẫn nhất.

Ốc vú nàng

 Một loại đặc sản nổi tiếng của vùng duyên hải Miền Trung vốn nổi tiếng ngay từ tên gọi của nó. Ốc vú nàng có vỏ xà cừ hình chóp nón, giống đôi gò bồng đảo của các cô gái dậy thì, thân ốc màu vàng pha xanh, nhưng mỗi khi có tay người chạm phải thì chuyển sang sắc hồng e lệ. Những người sành ăn thường chỉ dùng muối tiêu chanh để ăn kèm với ốc vú nàng luộc. Làm món trộn, người ta thái mỏng thịt ốc đã luộc, trộn đều với chanh và ớt. Thịt ốc vú nàng săn giòn nhưng không quá mềm như thịt nghêu, sò và rất ngọt.

 

Mực một nắng

Không thể không thưởng thức khi đã đến nơi đây. Những con mực tươi rửa sạch rồi trải trên vỉ đem phơi. Sau gần một ngày được nắng và gió biển sẽ làm mực bớt nước, mực vừa se se khô rồi đem nướng lửa than hồng. Nướng vừa chín tới thì dùng tay vừa thổi vừa xé, chấm tương ớt bỏ vào miệng… để nghe hương vị biển cả hòa quyện trong lát mực. Đây cũng chính là món quà đặc biệt có thể đem về đất liền làm quà.

 

Bào ngư

Bào ngư là loài ốc cực hiếm, có nhiều tên gọi như ốc cửu không, hải nhĩ… nên du khách rất thích thưởng thức bào ngư khi đến Cù Lao Chàm. Loài ốc này bám vào những tảng đá ngầm khu vực biển san hô có độ mặn cao, nhiều sóng lớn nên khó bị phát hiện và khó khăn lắm mới tách được chúng khỏi những tảng đá. Có thể chế biến thành các món như luộc, hấp, xào tùy theo khẩu vị của du khách. Nhiều người ưa món bào ngư luộc với gừng. Để bề mặt thịt bào ngư sau khi luộc không bị rút lại và xuất hiện các vết nứt phải bỏ bào ngư vào nồi khi nước gừng hơi nóng. Bào ngư luộc chấm muối tiêu chanh, thịt sẽ béo ngọt, có mùi vị thơm ăn vào cảm giác lạ miệng, rất đặc biệt so với những loại hải sản khác.

 

Nhum

Nhum biển nướng cũng là món ăn mà du khách nên một lần thử qua khi du lịch Cù Lao Chàm. Nhum được ví là “nhân sâm” của biển cả vì không chỉ thơm ngon mà có rất bổ dưỡng. Người bán hàng ở Cù Lao Chàm thường làm nhum sau đó dồn 2,3 con vào trong 1 vỏ, hòa với trứng cút hay trứng gà rồi nướng trên bếp than đỏ rực. Khi mùi hương đã bắt đầu thoang thoảng thì người ta lại rưới thêm ít mỡ hành béo ngậy để tăng độ “cuốn hút” cho món ăn.

 

Ghẹ

Ghẹ hầu hết ở các vùng biển đảo nước ta đều có, nhưng ghẹ Cù Lao Chàm chắc thịt, thơm ngon và có vị ngọt đậm đà hơn bất cứ nơi nào khác. Thịt ghẹ cung cấp nhiều chất đạm, canxi cùng với sắt và hàm lượng vitamin dồi dào, đặc biệt hầu như không béo trở thành món hải sản được du khách yêu thích. Ghẹ có thể chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn khó cưỡng như: luộc, nướng, hấp, nấu cháo, nấu lẩu,…Nhưng ngon nhất vẫn là hấp bia ăn kèm muối tiêu chanh vì vẫn giữ được hương vị tươi mới của ghẹ mới đánh bắt từ biển.

 

Tôm Hùm

Tôm hùm là một loại hải sản không chỉ có hương vị thơm ngon hảo hạng mà còn có giá trị dinh dưỡng cao. Dù có chế biến thành món gì đi chăng nữa thì thịt tôm hùm Cù Lao Chàm vẫn giữ được vị ngọt tự nhiên khó cưỡng.

 

Cua đá Cù Lao Chàm

 

Không chỉ nổi tiếng với hải sản tươi sống từ được người dân đánh bánh bắt từ những bờ biển Cù Lao Chàm, món cua đá được bắt từ những các hang đá trên núi cũng khiến nhiều du khách phải trầm trào. Điều đặc biệt của loài cua này là chúng ăn cây cỏ trên đá và uống nước sương sớm nên thịt rất ngọt, mềm, béo ngậy và không có vị tanh như cua biển thông thường. Loại cua này thường được rửa sạch đem luộc, hấp hay xào me đều rất ngon. Đến Cù Lao Chàm bạn không nên bỏ lỡ món ăn thơm ngon này.

Rau rừng Cù Lao Chàm

 Mọc hoang ở các chân núi, khá phong phú về chủng loại, với vài chục loại: rau dớn, rau sân, rau lủi, mã đề… Cuối xuân, đầu hạ là vào mùa chính thu hoạch rau rừng của đảo này. Có nhiều cách chế biến rau rừng. Thường người ta trộn nhiều loại với nhau, như vậy mới hội tụ đủ các vị đắng, cay, ngọt, bùi, béo. Đơn giản nhất là luộc rau, chấm mắm cái dầm ớt tỏi (loại mắm được làm bởi những con cá tươi nguyên từ xứ biển nơi đây.) tạo thành một mùi thơm rất là đặc biệt và mang đặc trưng riêng của rau rừng Cù Lao Chàm…

 

Rau đắng

Ngoài rau rừng tại Cù Lao Chàm bạn có thể thưởng thức một loại rau nữa, đó là rau đắng. Ăn rau đắng rất tốt cho sức khỏe như:thông tiểu, nhuận tràng,chữa cháy máu răng… Du khách sẽ được thưởng thức món dân dã gỏi rau đắng thêm một ít đậu phộng béo bùi hoà quyện cùng vị đắng thanh lạ miệng và rất ngon.

 

Bánh bèo Cù Lao Chàm

Được nấu từ củi than nên rất ngon và đậm đà. Bánh bèo cô Phương xóm Cấm: gạo được xay nhuyễn kết hợp với nước giếng cổ cùng với kinh nghiệm nhiều năm trong nghề cô Phương đã cho ra những chiếc bánh bèo trắng tinh. Đặc biệt nước chang là sự hòa huyện của nước mắm với mỡ, đường, tỏi, ớt và nấu từ tôm tươi nên vừa có vị ngọt và béo. Cái vị ngọt của tôm và ngọt bùi của bánh quyện với vị ớt, tỏi cay nồng đến tê đầu lưỡi tạo cho ta ấn tượng khó quên.

Mỳ Quảng Cù Lao Chàm

Nếu bạn đã từng ăn Mỳ Quảng tại đất liền, khi ra đảo Cù Lao Chàm bạn nên thử 1 tô mỳ Quảng chắc bạn sẽ có cái nhìn khác về món ăn dân dã này… Cùng một cách chế biến nhưng Hượng vị thật khác lạ so với món Mỳ truyền thống mà du khách cảm nhận khi về Quảng Nam. Mỳ Quảng Cù Lao Chàm có đặc trưng riêng về cách chế biến: Sợi mỳ được người dân làm thủ công không sử dụng máy móc, Nước nhưng ( hay còn gọi là nước chang ) được nấu từ củi Lao nên độ đậm đà sâu sắc hơn là nấu bếp Gaz hay bếp từ… Các món phụ liệu như Tôm, Gà, Thịt heo, Trứng… được người dân nuôi tại đảo và ăn thức ăn tự nhiên nên hương vị và chất lượng thật sự ngon.

 

 

Bánh ít lá gai Cù Lao Chàm

Đây cũng là món ăn đặc sản và là nghề truyền thống của ngư dân trên đảo đã có từ rất lâu đời. Để cho ra đời một chiếc bánh ít lá gai ngon phải trải qua rất nhiều công đoạn, đòi hỏi người làm bánh phải khéo léo và tỉ mỉ. Riêng tại vùng đảo Cù Lao Chàm quy trình làm bánh rất riêng, khó có thể nhầm lẫn. Không khoe mùi tỏa hương như bánh ram, bánh khoai…, chỉ tới khi bóc bánh đặt lên đĩa người ta mới thật sự ngỡ ngàng, lớp vỏ mỏng với sắc xanh sẫm bình dị, bao lấy khối nhân bóng vàng bên trong.

 

Có lẽ chính vị ngọt thanh được chắt chiu từ những chiếc lá gai mọc ở vùng sỏi đá, quanh năm hấp thụ ánh nắng và gió biển, chính nguồn nước từ giếng cổ mát lành đã tạo nên hương vị mặn mà riêng cho bánh ít lá gai nơi đây. Bánh Ít lá gai là sự chọn lựa số 1 cho món tráng miệng đối với du khách khi đến Cù Lao Chàm. Bước chân lên đảo du khách dễ dàng thấy các bà, các cô ngồi ngay ngắn bên vệ đường bán bánh, ai cũng hiền hòa và nụ cười đôn hậu luôn nở trên môi.

 

Nước lá rừng

Sau khi ăn các món ngon bổ dưỡng trên thì du khách phải uống nước lá rừng – thức uống mang đậm sắc vị của thiên nhiên vùng biển đảo Cù Lao Chàm. Nước được nấu từ một số loại lá sẵn có ở Cù Lao Chàm như lá ngấy, bồ đề, bình lời, é rừng, dây lăng, gừng núi… Lá bẻ về, phơi khô, chặt nhỏ và trộn lẫn với nhau để nấu. Đối với những người không quen, nước lá có vị chát; vừa có mùi của thuốc Bắc, thuốc Nam, vừa có mùi ngai ngái của một số lá cây rừng. Tuy vậy, dùng lâu sẽ đâm nghiện, do vậy, một số người địa phương đã dùng lá Lao nấu uống thay chè.

 

Không chỉ thơm ngon, uống nước lá lao vừa kích thích tiêu hóa, vừa có tác dụng bổ dưỡng, tăng sức đề kháng của cơ thể, giải nhiệt mùa hè và chống cảm sốt vào mùa đông. Du khách có thể thưởng thức nước lá nóng ấm hoặc bỏ đá mát lạnh đều cảm thấy rất sảng khoái giúp thanh lọc cơ thể.

 

 

7. Đến Cù Lao Chàm mua gì làm quà?

Bạn có thể mua các món ăn đặc sản, quà biếu cho người thân bạn bè, hay để dành khi về đến nhà thưởng thức sau chuyến du lịch Cù Lao Chàm như:

  • Các loại hải sản khô và hải sản tươi sống: cua, cá, ghẹ, mực, tôm hùm, hải sâm biển…
  • Yến sào Cù Lao Chàm. Yến sào là một loại thực phẩm cao cấp có giá trị dinh dưỡng cao vừa là sản phẩm dược liệu rất tốt cho sức khỏe. 
  • Mực một nắng Cù Lao Chàm
  • Cá cơm một nắng
  • Bánh ít lá gai, bánh su xê
  • Lá rừng Cù Lao Chàm
  • Dứa rừng phơi khô
  • Hà thủ ô phơi khô
  • Rong biển tẩm, mứt rong biển sấy khô…
  • Nước mắm, mắm cái…
  • Các sản phẩm từ cây Ngô Đồng: Bánh cây Ngô đồng, hạt cây ngô đồng…
  • Võng làm bằng cây Ngô Đồng (duy chỉ có tại Cù Lao Chàm, Quí khách có thể đặt hàng. Sau 1 tháng sẽ nhận được Võng Ngô Đồng được làm bằng tay. Giá cho 1 võng từ 2,500,000 – 3,500,000/1 Võng).
  • Quà lưu niệm làm từ vỏ ốc, vỏ sò…

Các địa điểm du lịch trong bài viết

Tour du lịch liên quan

21% Đà Nẵng - Sơn Trà - Bà Nà - Cù Lao Chàm - Hội An 3N2Đ

Đà Nẵng

Đà Nẵng - Sơn Trà - Bà Nà - Cù Lao Chàm - Hội An 3N2Đ

Quảng Nam

Tour Cù Lao Chàm 1 ngày

Quảng Nam

Tour Đà Nẵng - Cù Lao Chàm - 1 Ngày

Quảng Nam

Tour Du Lịch Hội An Cù Lao Chàm 1 Ngày

Khách sạn được ưa thích ở Hội An Xem tất cả

Citadines Pearl Hội An Hotel

Đánh giá 9.6
Khách sạn - Gần biển
Cẩm An, Hội An
Cách Biển An Bàng 1.2km
Cách Sông Thu Bồn 4.7km

Miễn phí bữa sáng1,553,000₫

Laluna Hội An Riverside Hotel & Spa

Đánh giá 10
Khách sạn
Minh An, Hội An
Cách Sông Thu Bồn 490m
Cách Biển An Bàng 4.6km

Miễn phí bữa sáng1,495,000₫

Hội An Riverside Villas & Apartments

Villa
Cẩm Châu, Hội An
Cách Sông Thu Bồn 2.4km
Cách Biển An Bàng 4.2km

Miễn phí bữa sáng920,000₫

Golden Pearl Hội An

Khách sạn
Cẩm Châu, Hội An
Cách Sông Thu Bồn 1.4km
Cách Biển An Bàng 3km

Eco Lodge & Spa Hội An

Resort
Cẩm Thanh, Hội An
Cách Sông Thu Bồn 4.1km
Cách Biển An Bàng 4.7km

Elites Riverside Hotel & Spa Hội An

Khách sạn
Cẩm Châu, Hội An
Cách Biển An Bàng 3.2km
Cách Sông Thu Bồn 4.2km

920,000₫

The Blue Alcove Hotel Hội An

Khách sạn - Gần biển
Cẩm An, Hội An
Cách Biển An Bàng 280m
Cách Sông Thu Bồn 4.2km

Hội An Garden Palace & Spa

Resort
Cẩm Châu, Hội An
Cách Sông Thu Bồn 2.2km
Cách Biển An Bàng 3.5km